Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) hội tụ nhiều công nghệ, trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin (CNTT), đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ, quy mô trên phạm vi toàn cầu, có tác động và ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống xã hội thông qua các công nghệ trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, di động, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây,...
Triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước coi trọng, xác định là xu thế tất yếu, nâng cao tính minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. Đây là con đường để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong đó, vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật cho các hệ thống hạ tầng CNTT là một khâu then chốt.
Sự phát triển của CNTT trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian qua cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của mật mã. Trên thế giới, mật mã được đưa vào danh mục kiểm soát vũ khí của nhiều nước và do cơ quan chuyên trách, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia quản lý, nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả.
Để hoạt động quản lý nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã ngày càng đạt hiệu quả cao, đáp ứng, phù hợp với xu thế thời đại, khi Việt Nam chủ động tham gia hội nhập vào khu vực và quốc tế, quản lý nhà nước về mật mã cần tiếp tục được tăng cường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển KT-XH. Hoạt động mật mã dân sự (MMDS) góp phần chống lại sự tấn công, phá hoại của các thế lực thù địch phản động lợi dụng môi trường mạng tuyên truyền, kích động, gây rối làm mất ổn định về chính trị, kinh tế.
Chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực mật mã dân sự
Chính sách của nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu, kinh doanh, phát triển, ứng dụng MMDS được đồng bộ trong chính sách chung về an toàn thông tin mạng (ATTTM), bao gồm:
- Nhà nước đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ATTTM đáp ứng yêu cầu ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Nhà nước khuyến khích nghiên cứu, phát triển, áp dụng biện pháp kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ xuất khẩu, mở rộng thị trường cho sản phẩm, dịch vụ ATTTM trong nước sản xuất, cung cấp; tạo điều kiện nhập khẩu sản phẩm, công nghệ hiện đại trong nước chưa có năng lực sản xuất, cung cấp.
- Công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm được tổ chức thực hiện thông qua quá trình đánh giá sự phù hợp, cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp qui đối với các sản phẩm, dịch vụ MMDS. Đối với lĩnh vực này, ngày 28/6/2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyểt định 2521/QĐ-BQP trong đó chỉ định Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã – Ban Cơ yếu Chính phủ là tổ chức chứng nhận sự phù hợp sản phẩm, dịch vụ MMDS.
- Nhà nước bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh sản phẩm và dịch vụ ATTTM, khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm và cung cấp dịch vụ ATTTM.
Do tính chất đặc thù và vai trò quan trọng của sản phẩm MMDS trong phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, được sử dụng để đảm bảo an toàn thông tin trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, nhà nước quy định kinh doanh sản phẩm MMDS và dịch vụ mật mã dân sự là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Quản lý nhà nước về Mật mã dân sự trong thời gian qua
Với chức năng là cơ quan mật mã quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về cơ yếu. Tập trung vào 04 (bốn) nhiệm vụ: Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng MMDS.
Thống nhất quản lý về mật mã trong đó có MMDS là chủ trương nhất quán của Đảng, đã được quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật.
Sau hơn hai năm triển khai Luật An toàn thông tin mạng, các quy định pháp luật liên quan về MMDS đã thực sự đi vào cuộc sống. Công tác quản lý nhà nước về MMDS đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, mạnh mẽ, góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm dịch vụ MMDS, đồng thời các hoạt động MMDS được kiểm soát, góp phần quan trọng vào đảm bảo lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Một số nhiệm vụ đã thực hiện bao gồm:
1. Ngày 16/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016; quy định chi tiết hơn về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS.
2. Về phổ biến các quy định về quản lý MMDS tại Luật ATTTM và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp tổ chức 02 hội nghị, tọa đàm về quản lý MMDS, cơ bản đã giải quyết thấu đáo những vấn đề vướng mắc của Doanh nghiệp; chủ trì tổ chức hội thảo quốc gia về MMDS “Quản lý và phát triển ứng dụng sản phẩm, dịch vụ MMDS trong bảo mật thông tin giao dịch điện tử”; Cục Quản lý MMDS và Kiểm định sản phẩm mật mã – Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG và các cơ quan khác thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tổ chức thành công Hội nghị quốc gia an ninh mạng 2018 vào tháng 11/2018.
3. Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ xây dựng, ban hành 21 tiêu chuẩn quốc gia về MMDS; trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành 03 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MMDS sử dụng trong lĩnh vực ngân hàng; năm 2018 đã xây dựng xong dự thảo 12 tiêu chuẩn quốc gia về MMDS và dự kiến trình Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành vào quí 2 năm 2019.
4. Quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng MMDS; quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ MMDS; kiểm định, đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm MMDS:
Hiện tại, theo thống kê, có 1120 mã sản phẩm MMDS đang được kinh doanh trên thị trường, chịu sự quản lý cấp phép kinh doanh, xuất nhập khẩu của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Đến tháng 3/2019, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm MMDS cho 75 doanh nghiệp; cấp hơn 210 Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định Hồ sơ chứng thực chữ ký số công cộng cho các tổ chức CA công cộng, CA chuyên dùng.
5. Hợp tác quốc tế về MMDS: Tiếp tục mở rộng hợp tác về MMDS với các quốc gia là đối tác truyền thống, tin cậy, đối tác hợp tác toàn diện, các nước có nền khoa học, công nghệ tiên tiến. Chú trọng hợp tác trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp, kiểm định chất lượng sản phẩm MMDS.
Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về MMDS trong thời gian tới
Thực hiện vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về MMDS, trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý MMDS phù hợp với xu thế phát triển về khoa học - công nghệ, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước; thúc đẩy, tạo điều kiện ứng dụng sản phẩm MMDS trong các ngành, lĩnh vực then chốt; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm dựa trên hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về MMDS; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, kinh doanh, chuyển giao công nghệ về MMDS.
Trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý MMDS phù hợp với xu thế phát triển về khoa học - công nghệ, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.
- Triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý MMDS tại Luật ATTTM và Nghị định số 58/2016/NĐ-CP, Nghị định số 53/2018/NĐ-CP.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, kinh doanh, chuyển giao công nghệ về MMDS; Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại website http://nacis.gov.vn (năm 2019, Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ công mức 3, mức 4 trên trang thông tin điện tử này).
- Thúc đẩy, tạo điều kiện ứng dụng sản phẩm MMDS trong các ngành, lĩnh vực then chốt: những lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, giao dịch điện tử, thương mại điện tử,...
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh, sử dụng sản phẩm MMDS tại các tổ chức, doanh nghiệp.
- Tích cực, chủ động xây dựng các cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nhằm triển khai mạnh mẽ các hoạt động thử nghiệm, đánh giá, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ MMDS.
- Chủ động xây dựng các dự thảo về tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực MMDS trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm tạo ra một hệ thống đầy đủ các tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng thông qua các hoạt động đánh giá sự phù hợp.
- Mở rộng hợp tác quốc tế về MMDS với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đức, Pháp… về đánh giá sự phù hợp.
- Tham gia và ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau.
Kết luận
Đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm, dịch vụ MMDS gắn liền với tăng cường quản lý nhà nước về MMDS là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa nền tảng trong thúc đẩy phát triển CNTT, tạo ra động lực quan trọng, góp phần đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đi đến thành công, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra phổ biến trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam đang quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ nhằm xây dựng thành công chính phủ điện tử.
Với chức năng là cơ quan mật mã quốc gia, tham mưu giúp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về Cơ yếu, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ phát huy các thành quả đạt được trong thời gian qua, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước để hoàn thiện các chính sách về quản lý MMDS, tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm, dịch vụ MMDS phát triển và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Một số văn bản pháp luật của Nhà nước quy định về quản lý mật mã dân sự - Luật Cơ yếu năm 2011 (điểm c, Khoản 1 Điều 21); Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (Điều 19); Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 quy định (tại Khoản 4 Điều 52) như sau: “Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự gồm các nhiệm vụ: a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý mật mã dân sự; b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm mật mã dân sự; c) Quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng mật mã dân sự; chất lượng sản phẩm và dịch vụ mật mã dân sự; kiểm định, đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự; d) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự phải cấp phép kinh doanh và Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép; đ) Cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; e) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh và sử dụng mật mã dân sự; g) Hợp tác quốc tế về mật mã dân sự. - Nghị định 58/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2016 quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, trong đó quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự. - Nghị định 53/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/4/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2016; hai nghị định này quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự. - Quyết định 2521/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc chỉ định tổ chức chứng nhận sự phù hợp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự. |
Nguyễn Thanh Sơn
11:00 | 26/12/2018
08:00 | 30/08/2019
09:00 | 27/09/2019
09:00 | 06/09/2018
14:00 | 09/08/2018
15:00 | 05/10/2020
09:00 | 27/07/2018
16:00 | 24/04/2018
18:00 | 26/09/2019
07:00 | 02/12/2024
Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google - Temasek công bố, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái.
13:00 | 31/10/2024
Theo một báo cáo kết quả thử nghiệm mới được công bố, các mô hình trí tuệ nhân tạo hàng đầu bao gồm OpenAI, Meta và Anthropic đang không tuân thủ đầy đủ các quy tắc AI của Châu Âu. Phát hiện này không chỉ đặt ra thách thức cho các công ty trong việc tuân thủ quy định, mà còn mở ra những câu hỏi về tương lai của trí tuệ nhân tạo thế hệ mới (GenAI).
07:00 | 14/10/2024
Chiều 08/10, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, với mục tiêu đưa ngành Công nghiệp công nghệ số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam. Việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của Ngành mà còn tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số trong nước, tạo đà cho các đột phá về công nghệ.
16:00 | 04/08/2024
Với quyết tâm cao trong công cuộc chuyển đổi số nhằm bắt kịp, không bỏ lỡ “chuyến tàu 4.0”, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số cùng với chương trình đột phá trong cải cách hành chính. Việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin sẽ là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đặt ra cho đội ngũ cán bộ tham mưu của tỉnh, đặc biệt là lực lượng cơ yếu và đội ngũ cán bộ làm công tác cơ yếu, vừa phải đổi mới, năng động, sáng tạo vừa phải tích cực tham mưu cho cấp ủy, cơ quan các giải pháp bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu, phục vụ đắc lực cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.