Từ cuối tháng 12/2010 đến đầu năm 2011, hàng loạt cuộc chính biến, “cách mạng đường phố” để lật đổ chính quyền ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông đã bùng nổ, dẫn đến tình trạng bạo loạn và bùng phát chiến tranh. Mở màn sự kiện là vào ngày 17/12/2010, Mohammed Bouazizi, một người bán hàng rong 26 tuổi ở Tunisia, đã tự thiêu để phản đối việc bị tịch thu chiếc xe chở rau, quả. Sự kiện được lan truyền nhanh chóng qua MXH Facebook, gây nên sự căm phẫn dẫn tới biểu tình, bạo loạn trên khắp đất nước, buộc Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali cùng gia đình phải trốn chạy ra nước ngoài vào ngày 14/01/2011.
Ở Ai Cập, một thanh niên tên là Khaled Said, 28 tuổi, bị cảnh sát bắt quả tang trong khi đang đưa lên mạng đoạn băng video tố cáo tham nhũng trong ngành cảnh sát. Vì không xuất trình giấy tờ tùy thân nên Khaled Said đã bị lôi, kéo từ quán cafe ra đánh đập đến chết. Sự kiện này cũng lập tức được lan truyền nhanh chóng thông qua MXH Facebook, làm bùng lên làn sóng biểu tình, bạo loạn của hàng trăm nghìn thanh niên, sinh viên, trí thức từ ngày 25/01/2011, yêu cầu Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức.
Tiếp sau sự sụp đổ của Chính quyền Tunisia và Ai Cập, làn sóng này đã lan rộng tới các nước Trung Đông và Bắc Phi, với các cuộc biểu tình lật đổ và đòi lật đổ ở: Algeria, Jordan, Oman, Saudi Arabia, Syria, Yemen, Djibouti,...
Từ cuối tháng 11/2013, hàng trăm nghìn người Ukraine bắt đầu đổ ra đường để yêu cầu Tổng thống Viktor Yanukovych từ chức sau khi ông quyết định không ký kết một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu. Ngày 20/02/2014, người biểu tình tấn công cảnh sát ở Kiev, phá vỡ một thỏa thuận ngừng bắn mà Tổng thống Viktor Yanukovych cùng phe đối lập và các nước trung gian hòa giải đưa ra và tái chiếm quảng trường Độc lập. Phe biểu tình tố cáo lực lượng an ninh nã đạn vào họ. Một số video xuất hiện và lan truyền rộng rãi trên MXH cho thấy các tay súng bắn tỉa bịt mặt không rõ bên nào đã nổ súng vào đám đông. Tiếp đó là các cuộc biểu tình, bạo loạn và cuối cùng là sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovych.
Biểu tình bạo loạn đã bùng phát và kéo dài ở Pháp suốt một tuần (từ 27/6 đến 03/7/2023) sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi gốc Bắc Phi, được xác định tên Nahel M., vì không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát khi tham gia giao thông. Biểu tình đã khiến Thủ tướng Elisabeth Borne tuyên bố hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn trên toàn quốc.
Giải thích về lý do bạo lực tiếp tục bùng phát trong thời gian này, hầu hết các quan chức an ninh Pháp đều chỉ ra vai trò của các nền tảng truyền thông trực tuyến. Thư ký Liên đoàn Cảnh sát quốc gia Pháp, ông Grégory Joron cho rằng các ứng dụng MXH đã làm thay đổi tình hình. Những kẻ bạo loạn giờ đây có thể gặp nhau dễ dàng hơn, có thể phối hợp ở các điểm khác nhau trong một lãnh thổ, rút lui và bắt đầu lại xa hơn.
Trong các cuộc bạo loạn và bạo loạn lật đổ ở các nước Ả rập, Ukraine và Pháp, chúng ta đều thấy một kịch bản chung và rất giống nhau đó là: một sự kiện bạo lực nào đó xảy ra, rồi được quay clip đăng tải lên MXH, sau đó được lan truyền rất nhanh và mạnh mẽ trong xã hội, từ đó xuất hiện các cuộc biểu tình tại một số khu vực và lan ra rộng lớn, dẫn đến bạo loạn và bạo loạn lật đổ. Kết quả cuối cùng là sự rối ren và hỗn loạn tại một số vùng hoặc cả đất nước, dẫn đến sự ra đi của lãnh đạo tại một số quốc gia. Trong những sự kiện như vậy, MXH đóng vai trò là kênh quan trọng nhất để lan truyền thông tin và kêu gọi xuống đường biểu tình. Kịch bản này đã lặp đi lặp lại ở nhiều nước, trong nhiều thời điểm khác nhau, cho đến tận năm 2023 vẫn xảy ra.
Theo báo cáo của công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu We Are Social, tính đến đầu năm 2023 tại Việt Nam đang có 77 triệu người dùng Internet (chiếm 79,1% dân số). Các MXH cũng trở thành nền tảng quan trọng với hàng chục triệu người tham gia. Cụ thể, theo dữ liệu được công bố trong tài nguyên quảng cáo của Meta, Google, ByteDance, LinkedIn và X (Twitter), tại Việt Nam hiện có: 66,2 triệu người dùng Facebook; 10,35 triệu người dùng Instagram; 63 triệu người dùng YouTube; 49,86 triệu người dùng TikTok; 5,2 triệu người dùng LinkedIn và 4,1 triệu người dùng X (Twitter).
Không thể phủ nhận những lợi thế mà MXH mang đến. Tuy nhiên, tại nước ta hiện nay, không gian mạng đang trở thành mặt trận chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Trong đó, các nền tảng MXH xuyên biên giới (Facebook, YouTube, TikTok) chính là môi trường lý tưởng để phát tán thông tin xấu, độc hại, sai sự thật; thông tin bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác. Công tác đấu tranh với thông tin xấu, độc trên MXH gặp rất nhiều khó khăn, một phần do cơ chế kiểm duyệt dữ liệu của hệ thống vận hành MXH chưa kín kẽ, vô tình hoặc cố tình bỏ lọt những thông tin độc hại. Bên cạnh đó, MXH với sự hậu thuẫn của các tập đoàn công nghệ nước ngoài hoạt động xuyên biên giới với những quy định, nguyên tắc do đơn vị làm chủ áp đặt, để buộc họ chấp hành, tuân thủ những quy định theo luật pháp Việt Nam là việc không dễ dàng.
Trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về Công tác xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử nêu rõ: Tin giả, thông tin xấu, độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền trên các trang MXH nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các chủ quản MXH này luôn tránh né việc xử lý và ngăn chặn chúng. Một bộ phận người sử dụng MXH vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh”, sẽ không bị phát hiện, xử lý nên tự do “xả rác” - tự do phát ngôn, đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, thông tin xấu, độc phát tán nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các MXH xuyên biên giới vẫn chậm so với MXH trong nước, nên những thông tin vi phạm pháp luật này vẫn còn tồn tại khá lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở MXH xuyên biên giới. Việc quản lý, kiểm tra, rà soát để phát hiện tin giả, thông tin xấu, độc còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến nghệ thuật, văn hóa,…
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong những năm vừa qua, Bộ TT&TT đã liên tục rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu, độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật,…
Theo số liệu của Bộ TT&TT, trong 5 năm trở lại đây, cuộc đấu tranh với các nền tảng MXH là cuộc chiến trường kỳ bởi các nền tảng xuyên biên giới này luôn tìm cách né tránh sự quản lý của cơ quan chức năng. Trước năm 2017, các nền tảng MXH chủ yếu không hợp tác với cơ quan quản lý, hoặc nếu có thì hợp tác cầm chừng. Từ năm 2020 trở đi, bên cạnh việc có nhiều kinh nghiệm quản lý hơn, đã có sự phối kết hợp tốt hơn giữa các cơ quan chức năng và cho những kết quả đột phá. Hiện tại, tỷ lệ gỡ bỏ thông tin độc hại trên không gian mạng đang được duy trì ở mức cao nhất từ trước đến nay (trên 90%).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã thực hiện gỡ bỏ 2.549 bài viết, 12 tài khoản, 54 trang quảng cáo vi phạm đối với Facebook. Đối với YouTube, gỡ 6.101 video và 7 kênh tài khoản. Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại. Ngoài ra ứng dụng này cũng đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; Youtube đã ngăn chặn 06 kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1,5 nghìn video clip). Bộ TT&TT đã tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động của TikTok, thực hiện gỡ 415 đường link và 149 tài khoản vi phạm. Tháng 10/2023, Bộ TT&TT đã công bố kết luận thanh tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm của TikTok và đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm xử lý MXH này.
Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Công an từ năm 2018 đến nay, qua đấu tranh cơ quan công an phát hiện hơn 13 nghìn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua không gian mạng, chiếm 5,2% số vụ phạm pháp hình sự. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công an đã rà soát, phát hiện hơn 4 nghìn nguồn khởi phát thông tin xấu, độc, thu hút hơn 82 triệu lượt tiếp cận, tương tác thông tin, chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội, với hàng nghìn tài khoản, “hội nhóm” có hàng triệu lượt người theo dõi; đấu tranh, khởi tố 916 vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao, khởi tố 2.045 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 108 vụ.
Nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các nền tảng MXH, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất, Bộ TT&TT, Bộ Công an,… cần phải tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng liên quan khác trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm các quy định về nội dung thông tin để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tăng cường đổi mới công nghệ trong công tác rà quét, phân tích dữ liệu, nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp và nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Thứ hai, bên cạnh việc ngăn chặn các thông tin độc hại từ MXH, việc siết chặt quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên các nền tảng này cũng là nhiệm vụ quan trọng. Bộ TT&TT đã yêu cầu các nền tảng MXH áp dụng công nghệ rà quét quảng cáo vi phạm tự động. Đồng thời, yêu cầu các ứng dụng OTT (nhắn tin, gọi điện, xem truyền hình thông qua Internet) tuân thủ Nghị định số 71/2022/ NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Thứ ba, cần phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Một trong những biện pháp mạnh tay mà Bộ TT&TT đề xuất trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đó là cắt đường truyền Internet đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm khi cung cấp thông tin trên mạng. Đây là giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả xử lý đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác.
Thứ tư, cùng với các giải pháp mà cơ quan quản lý đang áp dụng và đề xuất triển khai, các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, giúp cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng bằng thông tin chính thống của hệ thống báo chí và MXH của Việt Nam để cộng đồng mạng nâng cao nhận thức, đủ sức “đề kháng” trước các quan điểm sai trái, thù địch. Phát huy trách nhiệm của báo chí tham gia đấu tranh, phòng chống quan điểm sai trái, thù địch, nhằm khơi dậy niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch. Cần sớm phải có chủ trương, giao các cấp ủy đảng, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ban hành quy tắc tham gia MXH.
Thứ năm, để khuyến khích tinh thần yêu nước, dũng cảm tham gia đấu tranh trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, tạo cơ chế, khuyến khích việc thành lập các tổ chức dưới dạng tự nguyện, xung kích đấu tranh trên không gian mạng. Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế và có cơ chế/chính sách ưu tiên phát triển các nền tảng mạng xã hội nội địa (Việt Nam). Ngoài ra, cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội, nhưng vẫn đảm bảo quyền riêng tư, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Có thể nói, MXH đã và đang mang đến nhiều điều tích cực, lợi ích cho người dùng, nhưng nó cũng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ và hệ lụy đối với người dùng và xã hội. Để quản lý chặt chẽ MXH, phát huy những mặt tích cực và đấu tranh chống lại các mặt tiêu cực, các cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách và có các giải pháp kỹ thuật công nghệ, trong nhiều trường hợp cần phải quyết liệt và phải có những kịch bản để ứng phó. Đồng thời, phía người dùng cũng cần nâng cao cảnh giác và trang bị những kiến thức cần thiết khi tham gia vào không gian mạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngan-chan-thong-tin-doc-hai-tren-mang-xa-hoi-733247. |
ThS. Nguyễn Thế Hảo (Phó Tổng biên tập Tạp chí An toàn thông tin)
17:00 | 22/12/2023
07:00 | 05/09/2023
08:00 | 31/05/2023
10:00 | 27/05/2024
07:00 | 27/09/2024
Các xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ mật mã đã đặt ra nhiều thách thức đối với quốc phòng - an ninh và ngành Cơ yếu Việt Nam trong giai đoạn mới.
11:00 | 03/09/2024
Khung chính sách và chiến lược về khoa học và công nghệ của Vương Quốc Anh đặt ra các mục tiêu và tầm nhìn về khoa học công nghệ trong một khuôn khổ đến năm 2030. Khung này thể hiện tham vọng và động lực về một “Siêu cường Khoa học và Công nghệ” vào năm 2030, xác định khoa học và công nghệ sẽ là động lực chính cho sự thịnh vượng, quyền lực và các sự kiện làm nên lịch sử của Vương Quốc Anh trong thế kỷ này. Bài viết sẽ phân tích, trình bày các nội dung trong khung chính sách về triển khai Khoa học- Công nghệ của Vương quốc Anh.
17:00 | 31/08/2024
Khi AI trở thành vũ khí của cả kẻ tấn công và chuyên gia an ninh mạng, cuộc chiến trên không gian mạng sẽ diễn ra như thế nào? Liệu chúng ta có thể kiểm soát được sức mạnh của AI hay không?
16:00 | 28/06/2024
Sáng ngày 28/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Viện FES Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Hợp tác Việt Nam - EU trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu mới”. Buổi Tọa đàm nhằm mục đích tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn và tìm ra các giải pháp giúp tăng cường hợp tác toàn diện với EU trong việc gải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay.