VietChain Talent 2025 do 1Matrix, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Ban Cơ yếu Chính phủ đồng tổ chức, quy tụ hơn 220 đội thi với 138 bài dự thi chính thức, từ các trường đại học, tập đoàn và doanh nghiệp lớn trên cả nước.
Chủ đề của cuộc thi gồm: Blockchain Layer 1 Việt Nam, Sàn giao dịch Tập trung (CEX) và Phi tập trung (DEX), Truy vết (Tracing), Cầu nối Blockchain (Bridge). Trong danh sách 51 bài thi vào vòng Bán kết, Học viện Kỹ thuật mật mã xuất sắc đóng góp 03 đội tuyển. Cụ thể, tại nội dung chủ đề Layer 1, Học viện góp mặt với 02 đội: KMASC với dự án “Phát triển nền tảng chuỗi khối an toàn, bảo mật sử dụng mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ và ứng dụng trong xây dựng hệ thống quản lý văn bằng chứng chỉ quốc gia” và Post Quantum Creative với dự án “Post-Quantum Blockchain”. Về nội dung chủ đề Tracing, Học viện có đội KMABT tham gia dự án “Bitcoin Tracker”.
Đội tuyển KMASC và Post Quantum Creative tại chủ đề Layer 1
Đội tuyển KMABT tại chủ đề Tracking
Trong bài thi của đội KMASC bao gồm 02 sản phẩm được đánh giá mang tính thực tiễn cao: Sản phẩm đầu tiên là phát triển một nền tảng chuỗi khối an toàn, bảo mật toàn diện, sử dụng mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ để làm cơ sở xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ kinh tế - xã hội (quản lý chuỗi cung ứng, ngân hàng, tài chính, chứng thực danh tính số, hồ sơ y tế điện tử…) và an ninh - quốc phòng (quản lý tài sản, vũ khí, quản lý hồ sơ quân nhân, truy vết nguồn gốc…). Sản phẩm thứ hai là khả năng ứng dụng chuỗi khối an toàn, bảo mật đã phát triển để xây dựng hệ thống quản lý văn bằng chứng chỉ quốc gia.
Với sản phẩm thứ nhất, đáng chú ý đây là giải pháp đầu tiên có tích hợp ký số, mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ vào chuỗi khối để đảm bảo an toàn, bảo mật toàn bộ nền tảng chuỗi khối (hiện tại chưa sản phẩm nào có được tính năng này). Các thành viên của đội KMASC đã thay thế mô-đun chứng thực số, hàm băm theo chuẩn của Ban Cơ yếu Chính phủ. Dự kiến nền tảng chuỗi khối an toàn có thể dùng để triển khai bất kỳ ứng dụng, hệ thống thông tin trong chuyển đổi số quốc gia sử dụng chuỗi khối.
Đồng thời, tích hợp thêm mô-đun mã khối để mã dữ liệu trong nền tảng: Sử dụng thuật toán MKV/AES cho phát triển kinh tế - xã hội. Đối với an ninh - quốc phòng, đội sử dụng 02 thuật toán mã khối riêng của Ban Cơ yếu Chính phủ. Đặc biệt, giải pháp của đội KMASC đã cải tiến hiệu năng bằng cách thay thế GoLevelDB bằng LevelDB thuần C.
Trong khi đó, sản phẩm thứ hai là hệ thống quản lý văn bằng chứng chỉ, hiện lõi Blockchain đã được tích hợp mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ và đang thử nghiệm tại Học viện Kỹ thuật mật mã. Giải pháp này dự kiến có thể được dùng cho các trường khác, cũng như trong Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý văn bằng chứng chỉ trên phạm vi toàn quốc.
Sau khi hoàn thiện dự án, giải pháp của đội KMASC dự kiến đạt được các kết quả: Xây dựng mô hình an toàn, bảo mật toàn bộ cho các hệ thống sử dụng công nghệ chuỗi khối từ mức ứng dụng đến nền tảng chuỗi khối (layer 1); Toàn bộ dữ liệu trong chuỗi khối được bảo mật bằng các thuật toán mật mã riêng của Ban Cơ yếu Chính phủ (tùy theo mức độ từ kinh tế - xã hội đến an ninh - quốc phòng); dữ liệu đảm bảo tính toán vẹn thông qua hệ thống chứng thực số của Ban Cơ yếu Chính phủ và ký số sử dụng USB token (Bit4ID); Thay thế mô-đun cơ sở dữ liệu mặc định goleveldb (phiên bản go) bằng mô-đun LevelDB dạng thuần C để cải tiến tốc độ.; Tính khả mở, linh động cao: Có thể sử dụng nền tảng chuỗi khối an toàn, bảo mật này cho bất kỳ hệ thống ứng dụng nào sử dụng chuỗi khối; Tính ứng dụng và hoàn thiện: Sản phẩm ứng dụng là hệ thống quản lý văn bằng chứng chỉ được sử dụng ở Học viện Kỹ thuật mật mã, có thể sử dụng cho Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc trong các cơ sở giáo dục khác.