Toàn cảnh Lễ công bố
Cuộc thi do Công ty 1Matrix phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức, đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của các nhóm tài năng trên khắp cả nước chỉ sau hai tháng phát động. Ban Tổ chức ghi nhận hơn 300 ý tưởng đến từ 220 đội thi trên cả nước, trong đó 138 bài thi chính thức đã được gửi về.
Bốn chủ đề trọng điểm của cuộc thi bao gồm: Layer 1 (nền tảng Blockchain cơ bản), Sàn giao dịch tài sản số CEX/DEX, Truy vết blockchain và Cầu nối Blockchain. Trong cuộc thi lần này, chủ đề Layer 1 chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 35%, tiếp theo là Truy vết Blockchain (32,5%), Sàn giao dịch CEX/DEX (21,5%) và Cầu nối Blockchain (11%).
Bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: “51 bài thi vào Bán kết được tuyển chọn nghiêm ngặt theo 4 tiêu chí: giá trị thực tiễn, tính sáng tạo, tính bền vững và khả năng mở rộng, cũng như chất lượng tổng thể của dự án. Đây không chỉ là sân chơi học thuật mà còn là bệ phóng để các tài năng trẻ thể hiện năng lực, giải quyết những vấn đề thực tiễn, đồng thời đồng hành cùng tiến trình chuyển đổi số quốc gia”.
51 bài thi được lựa chọn sẽ trải qua phần thuyết trình trực tiếp với Ban Giám khảo từ ngày 21/7 đến ngày 31/7/2025, nhằm chọn ra những dự án triển vọng bước vào vòng Chung kết.
Danh sách 51 bài thi vào vòng Bán kết cuộc thi VietChain Talent 2025
Nhiều ý tưởng đột phá đã lọt vào Bán kết như: định danh số tích hợp dịch vụ công; nền tảng giáo dục trực tuyến phi tập trung; chữ ký số; giải pháp vay thế chấp tài sản số; ngân hàng số ứng dụng blockchain kết hợp tài sản thực (Real World Asset) hay hệ thống giao dịch tín chỉ carbon – một chủ đề “nóng” trong xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.
Các bài thi được đánh giá bởi Hội đồng Giám khảo và Chuyên môn gồm các chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức đầu ngành như Ban Cơ yếu Chính phủ, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Công ty 1Matrix, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Viện Toán học cao cấp (VIASM), cùng đại diện từ các doanh nghiệp công nghệ như Boston Consulting Group, Viettel Cyber Security, AlphaTrue, Kyber Network, Tether, Nami Foundation, Holdstation, Spores Network... Cuộc thi cũng quy tụ đông đảo đối tượng tham dự, từ các kỹ sư, chuyên gia công nghệ đến từ các doanh nghiệp lớn như Techcombank, OneMount Group, FPT, MISA, SkyMavis... cho đến sinh viên từ hơn 30 trường đại học hàng đầu như Học viện Kỹ thuật Mật mã, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, PTIT, ĐH FPT Cần Thơ, ĐH Bách khoa TPHCM...
VietChain Talent 2025 được xem là cuộc thi Blockchain có quy mô giải thưởng lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, với tổng giá trị lên đến 3,5 tỷ đồng. Giải Nhất cho chủ đề Layer 1 trị giá 1 tỷ đồng tiền mặt. Ba chủ đề còn lại mỗi giải Nhất trị giá 500 triệu đồng. Đặc biệt, Tether – đơn vị tài trợ quốc tế sẽ trao giải “Sáng kiến ứng dụng Stablecoin cho giải pháp tài chính số bền vững” trị giá 250 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ đội đoạt giải kết nối với hệ sinh thái toàn cầu thông qua các chương trình cố vấn chuyên sâu.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Công ty 1Matrix nhấn mạnh về việc xây dựng hệ sinh thái Blockchain Việt Nam là sứ mệnh lâu dài và không dễ dàng. Tuy nhiên, với sự đồng thuận từ cơ quan quản lý, sự chủ động từ doanh nghiệp và chiến lược đào tạo nhân lực thông qua các sân chơi như VietChain Talent, mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Thời điểm này là cơ hội vàng để hành động, khi Bộ Chính trị đã ban hành hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với Nghị quyết 68-NQ/TW về thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Công ty 1Matrix, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, ông Đỗ Văn Thuật, Giám đốc Giải pháp và Kiến trúc Blockchain của 1Matrix đã công bố những bước tiến đầu tiên của VBSN. Đây là dự án được cam kết tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam lần VI, với sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm.
VBSN được xây dựng trên kiến trúc 5 tầng, lấy cảm hứng từ mô hình EBSI (EU) và BSN (Trung Quốc), hướng tới mục tiêu cung cấp hạ tầng Blockchain toàn diện, chi phí thấp, dễ ứng dụng cho cả khu vực công và tư. Một số lĩnh vực ưu tiên ứng dụng gồm: định danh số, hóa đơn điện tử, số hóa tài sản, lưu trữ văn bằng, đổi mới công nghệ tài chính... Với tốc độ giao dịch dao động từ 2.000 đến 60.000 TPS (có thể lên tới 300.000 TPS tùy cấu hình), VBSN cho thấy năng lực xử lý mạnh mẽ, linh hoạt theo nhu cầu của từng đối tác triển khai.
Theo ông David Chan, Giám đốc Phát triển Đối tác Boston Consulting Group - đơn vị hàng đầu thế giới về tư vấn giải pháp, cho rằng, quá trình xây dựng VBSN đã kế thừa, phát huy các ưu điểm của các mạng dịch vụ blockchain hiện nay như EBSI, BSN. Điều này giúp VBSN có khả năng tích hợp mạng blockchain toàn cầu và tối ưu các công nghệ hiện đại nhất, giúp giải các bài toán về bảo mật, khả năng mở rộng, tính phi tập trung,... một cách linh hoạt và vượt trội hơn hẳn những mô hình khác. Đặc biệt, từ những bài học kinh nghiệm mà BCG đã rút ra từ thực tế tư vấn, triển khai giải pháp, chuyển giao công nghệ với chính phủ nhiều quốc gia trên toàn cầu, chúng tôi tin tưởng rằng VBSN sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề hiện tại và tương lai của Việt Nam kể cả trong quản lý dữ liệu công hay thúc đẩy kinh tế khu vực tư.