CHUYỂN ĐỔI SỐ: CHỦ TRƯƠNG LỚN CỦA ĐẢNG VÀ CHÍNH PHỦ, YÊU CẦU CẤP THIẾT PHẢI CHUYỂN MÌNH MẠNH MẼ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, CĐS không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu sống còn đối với mọi quốc gia, là động lực quan trọng cho phát triển. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 (Nghị quyết 57) về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia, xác định CĐS là đột phá chiến lược trong đổi mới phương thức quản trị quốc gia thể hiện quyết tâm chính trị rất cao và mạnh mẽ của Đảng ta trong việc đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là CĐS trở thành động lực then chốt, đột phá chiến lược cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn mới, sớm đạt được mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
BNG sớm xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm để hiện đại hóa tổ chức, đổi mới phương thức vận hành, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại. CĐS tại BNG hiện nay đang được triển khai đồng bộ, bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, thích ứng linh hoạt với thời đại.
NHỮNG KẾT QUẢ BAN ĐẦU CỦA BỘ NGOẠI GIAO TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Đến năm 2025, công tác CĐS tại BNG đã đạt được một số kết quả:
Về số hóa tài liệu và văn bản nội bộ: Trên 95% văn bản hành chính được xử lý hoàn toàn dưới dạng điện tử, gần 90% hồ sơ công việc được giải quyết trên môi trường mạng.
Về triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến: Gần 62.000 hồ sơ được xử lý qua Cổng dịch vụ công của Bộ, 04 dịch vụ công được thực hiện trực tuyến toàn trình và toàn bộ 70 thủ tục hành chính đã được đăng tải trên Cổng dịch vụ công của Bộ và quốc gia.
Về bảo đảm an toàn thông tin: Bộ đã triển khai bảo đảm an toàn cho hệ thống mạng; xây dựng Trung tâm điều hành và giám sát an toàn an ninh mạng. Triển khai bảo mật hệ thống mạng nội bộ, máy tính kết nối mạng nội bộ, các giải pháp bảo mật đường truyền, mã hóa ổ cứng, kết nối các thiết bị đầu cuối có bảo mật để phục vụ công tác hàng ngày của các đơn vị.
Về phát triển cơ sở dữ liệu: Bộ đã triển khai Danh mục Cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, dịch vụ chia sẻ và dữ liệu mở; thực hiện đồng bộ, chia sẻ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của Bộ với CSDL quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ; kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ với CSDL quốc gia về dân cư; từng bước triển khai kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công của Bộ.
Phát triển hạ tầng số: Bộ đang triển khai đầu tư nâng cấp năng lực xử lý thông tin dữ liệu thông qua dự án Xây dựng Chính phủ điện tử BNG giai đoạn 2021 - 2025. Đầu tư nâng cấp đường truyền quang trắng kết nối các trụ sở làm việc và tăng cường băng thông Internet phục vụ các ứng dụng CĐS.
Đào tạo nguồn nhân lực: BNG thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về CĐS nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và chuẩn hóa kiến thức cho đội ngũ nhân lực CĐS của Bộ.
Những kết quả trên đã từng bước tăng cường hiệu quả làm việc tại các đơn vị trong Bộ, cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công cung cấp cho người dân và tổ chức, doanh nghiệp theo hướng hiện đại, tiện lợi, thân thiện hơn.
NHỮNG BÀI TOÁN CẦN GIẢI QUYẾT VÀ NHỮNG THÁCH THỨC, TỒN TẠI TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI CĐS TẠI BỘ NGOẠI GIAO
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng BNG cũng còn một số tồn tại, hạn chế trong CĐS, đó là:
Thứ nhất, nguồn nhân lực số còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt cán bộ công nghệ thông tin, an ninh mạng có trình độ.
Thứ hai, nguồn lực tài chính đầu tư cho hạ tầng số, hệ thống nền tảng số và các cơ sở dữ liệu chuyên sâu còn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển.
Thứ ba, chưa hình thành nền tảng quản lý dữ liệu và tri thức dùng chung toàn ngành dẫn đến cản trở việc chia sẻ thông tin và phối hợp tác nghiệp; việc đưa vào ứng dụng công nghệ mới như AI, trợ lý ảo còn chậm.
Thứ tư, các giải pháp bảo vệ bí mật nhà nước, bảo mật, xác thực cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có thông tin, dữ liệu bí mật nhà nước còn chưa được phổ biến và triển khai rộng rãi.
XU HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN THẾ GIỚI ĐANG RẤT KHẨN TRƯƠNG
Các tài liệu được công bố cho thấy, BNG các quốc gia phát triển đang rất khẩn trương ưu tiên ứng dụng công nghệ số, ráo riết triển khai các kế hoạch và chiến lược CĐS đến năm 2030. Trong đó nổi bật là các ưu tiên sau:
- Tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và quản lý: Ứng dụng CNTT để tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, quản lý hồ sơ điện tử, tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất làm việc của đội ngũ cán bộ.
- Tăng cường tương tác và hỗ trợ công dân: Phát triển các nền tảng trực tuyến và ứng dụng di động để cung cấp thông tin lãnh sự, hỗ trợ công dân ở nước ngoài và xử lý các yêu cầu một cách nhanh chóng và hiệu quả.
- Đẩy mạnh ngoại giao số (Digital Diplomacy): Sử dụng các kênh truyền thông số, mạng xã hội và nền tảng trực tuyến để quảng bá hình ảnh quốc gia, tương tác với công chúng quốc tế và truyền tải hiệu quả thông điệp chính sách.
- Tăng cường an ninh mạng và bảo mật thông tin: Đầu tư vào các giải pháp bảo mật để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm, chống lại các cuộc tấn công mạng và đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin.
- Ứng dụng các công nghệ mới: Thử nghiệm và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), và blockchain để nâng cao năng lực phân tích, dự báo và đưa ra quyết sách.
- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực số: Nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ trong việc khai thác hiệu quả các công cụ và nền tảng công nghệ mới.
HƯỚNG TỚI NỀN NGOẠI GIAO SỐ HIỆN ĐẠI: MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030 CỦA BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM
Để hướng tới xây dựng Chính phủ số thông minh, hiệu quả, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. BNG đặt ra một số mục tiêu chính đến năm 2030 như sau:
Về hạ tầng: Hoàn thiện hạ tầng mạng an toàn và băng thông rộng; xây dựng Trung tâm dữ liệu của Bộ tại Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và thế giới; 100% cán bộ được trang bị chữ ký số và thiết bị đầu cuối an toàn; triển khai hạ tầng tính toán sử dụng công nghệ điện toán đám mây; hạ tầng mạng lõi; hạ tầng lưu trữ, hạ tầng an toàn thông tin.
Về các nền tảng số và ứng dụng số: Triển khai đồng bộ nền tảng số phục vụ điều hành, quản lý tri thức, dịch vụ đối ngoại trực tuyến; 100% cán bộ làm việc trên không gian mạng ứng dụng AI rộng rãi, ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu, cung cấp các dịch vụ thông minh; kết nối và chia sẻ với các cơ quan nhà nước thông qua các nền tảng tích hợp, tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ số liền mạch và hiệu quả.
Về cung cấp dịch vụ hành chính công: 100% dịch vụ công của Bộ sẽ cung cấp trực tuyến toàn trình cả trong nước và ngoài nước theo phương châm lấy người dân làm trung tâm.
Về an toàn thông tin: Bảo đảm an ninh mạng và bảo mật dữ liệu; hoàn thiện hạ tầng bảo mật mạng lưới quốc tế cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Về nhân lực số: Có cơ chế, chính sách ưu đãi nhân tài, tuyển dụng, bố trí cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, triển khai đào tạo, trí tuệ nhân tạo… cho công chức, viên chức ngoại giao.
ĐỊNH HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA BỘ NGOẠI GIAO TỚI NĂM 2045: HÌNH THÀNH MỘT NỀN NGOẠI GIAO THÔNG MINH, SỐ HÓA TOÀN DIỆN
Cùng với “Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2045”, nhiệm vụ CĐS tại BNG cần phải xác lập các mục tiêu chính sau với tầm nhìn đến năm 2045:
Xây dựng nền ngoại giao số toàn diện: Toàn bộ quy trình hoạt động đối ngoại từ nghiên cứu, tham mưu đến triển khai chính sách sẽ được vận hành trên các nền tảng số; mô hình “Cơ quan đại diện số” với khả năng cung cấp dịch vụ ngoại giao công vụ và lãnh sự trực tuyến 24/7 trên phạm vi toàn cầu. Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR) sẽ được ứng dụng trong các thủ tục hành chính công và hỗ trợ bảo hộ công dân trong tình huống khẩn cấp.
Hình thành hệ sinh thái ngoại giao số: Phát triển nền tảng tri thức ngoại giao số, cơ sở dữ liệu đối ngoại, kinh tế, chính trị tích hợp để hình thành các hệ thống hỗ trợ ra quyết định chiến lược; Nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu đối ngoại quốc gia kết nối với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cho phép phân tích dữ liệu lớn, khai phá thông tin tình báo mở bằng công nghệ AI.
AI, IoT, Blockchain, VR và các công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động đối ngoại, quy trình nghiên cứu, phân tích chính sách, đào tạo cán bộ và tổ chức sự kiện quốc tế; thí điểm mô hình “Lễ tân số”, “Hội nghị ngoại giao số”, tổ chức một số hoạt động ngoại giao hoàn toàn trên nền tảng ảo.
Đảm bảo chủ quyền số và an ninh mạng: Xây dựng “Trung tâm điều hành an toàn thông tin đối ngoại quốc gia”, kiểm soát rủi ro an ninh mạng; phát triển hệ thống mã hóa, xác thực số đạt chuẩn quốc tế, bảo vệ tuyệt đối dữ liệu ngoại giao, thông tin bí mật nhà nước.
Đào tạo thế hệ “ngoại giao số”: Đào tạo cán bộ ngoại giao thế hệ mới với ba năng lực trụ cột: ngoại giao truyền thống, năng lực công nghệ số, năng lực phân tích dữ liệu; thiết lập các chương trình liên kết quốc tế về đào tạo kỹ năng số, kỹ năng AI ứng dụng trong đối ngoại.
Xây dựng thương hiệu “Ngoại giao Việt Nam số”: Chủ động quảng bá hình ảnh một nền ngoại giao sáng tạo, số hóa, năng động của Việt Nam ra thế giới thông qua hệ sinh thái số: truyền thông xã hội, nền tảng chia sẻ số liệu mở, cổng thông tin đối ngoại số quốc gia.
KẾT LUẬN
Tích cực triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS cũng như thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc Chương trình CĐS quốc gia, BNG xác định CĐS là tất yếu khách quan trong tiến trình xây dựng và phát triển ngành. Tuy đây là một hành trình nhiều thách thức nhưng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, sự vào cuộc chung sức, đồng lòng của toàn ngành, tiến trình CĐS trong BNG chắc chắn sẽ đạt được những kết quả cụ thể, đáp ứng được các đòi hỏi thực tiễn, góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong kỷ nguyên mới: "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
[Quý độc giả đón đọc Tạp chí An toàn thông tin số 3 (085) 2025 tại đây]
TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ-VP ngày 11/9/2024 của Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao về đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với chuyển đổi số trong ngành Ngoại giao đến năm 2030. [2]. Diana Khomeriki (2022), Benefits and Risks of Digital Diplomacy: Is Traditional Diplomacy in Decline? - Lợi ích và rủi ro của ngoại giao kỹ thuật số: Ngoại giao truyền thống có đang suy giảm? World Politics and the Challenges for International Security (pp.261-281), DOI:10.4018/978-1- 7998-9586-2.ch012. |