Bối cảnh, tình hình của ba Hội nghị thượng đỉnh về AI
Công nghệ AI luôn nhận được sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng quốc tế. Kể từ năm 2017, hàng năm, Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telegraph Union - ITU) đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu AI vì mục tiêu tốt đẹp (AI for Good) nhằm giải quyết những thách thức của AI đối với nhân loại, thúc đẩy sự trưởng thành của công nghệ AI. Năm 2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development - OECD) đã ban hành “Nguyên tắc AI của OECD”, hướng dẫn các quốc gia sử dụng công nghệ AI sáng tạo, đáng tin cậy, tôn trọng nhân quyền và các giá trị dân chủ. Được khởi xướng bởi Pháp và Canada, năm 2020, 15 quốc gia/tổ chức đã thành lập Quan hệ Đối tác Toàn cầu về AI (Global Partnership on Artificial Intelligence - GPAI) để thúc đẩy trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia AI. Năm 2021, UNESCO ban hành “Khuyến nghị về Đạo đức của AI” (Recommendation on the Ethics of Artificial Intelligence), đồng thời khuyến khích tổ chức Diễn đàn toàn cầu về đạo đức AI để thúc đẩy hợp tác trong quản trị đạo đức AI. Năm 2022, OpenAI đã ra mắt GPT-3.5, gây ra mối lo ngại toàn cầu về tính bảo mật của công nghệ AI tiên tiến, đặc biệt là những rủi ro tiềm tàng đối với vấn đề an ninh mạng, lạm dụng vũ khí sinh học, phát tán thông tin sai lệch, quyền riêng tư và rò rỉ dữ liệu. Trong bối cảnh này, để tăng cường vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực an ninh AI, Vương quốc Anh đã khởi xướng Hội nghị thượng đỉnh về an ninh AI đầu tiên. Tiếp đó, Hàn Quốc và Pháp đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai và thứ ba. Sau ba năm, hội nghị thượng đỉnh đã dần phát triển thành một hội nghị quốc tế quan trọng trong lĩnh vực an ninh và quản trị AI.
Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI đầu tiên: Hội nghị được tổ chức tại Bletchley Park, Vương quốc Anh từ 01 - 02/11/2023, quy tụ đại diện từ hơn 20 quốc gia (như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ), các tổ chức quốc tế lớn (như Liên hợp quốc, OECD, ITU), các công ty công nghệ và các chuyên gia nổi tiếng. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Bletchley (The Bletchley Declaration) được 28 quốc gia/tổ chức quốc tế ký kết. Tuyên bố tập trung vào mối đe dọa mà các mô hình AI hiện đại gây ra đối với tương lai con người, đồng thời kêu gọi hợp tác quốc tế để giải quyết những rủi ro này. Hội nghị cũng khởi động việc xây dựng Báo cáo an toàn AI quốc tế (International AI Safety Report) với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia từ nhiều nước. Ngoài ra, Hội nghị còn thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức an toàn AI, hình thành mạng lưới nghiên cứu khoa học an toàn AI quốc tế (Mỹ và Anh đã công bố thành lập Viện An toàn AI trước và sau hội nghị thượng đỉnh).
Hội nghị thượng đỉnh Seoul về AI: Hội nghị thượng đỉnh Seoul về AI được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc từ ngày 21- 22/5/2024, do Hàn Quốc và Anh đồng tổ chức, với chủ đề “An toàn, đổi mới, hòa nhập”. Đại diện chính phủ từ các quốc gia/khu vực (như Mỹ, EU, Úc, Canada, Pháp), các tổ chức quốc tế (như Liên hợp quốc, OECD), các công ty công nghệ lớn (như Google, Tesla, OpenAI, Samsung), cùng các chuyên gia và học giả đã tham dự. Thành tựu của Hội nghị thượng đỉnh Seoul bao gồm Tuyên bố Seoul về AI an toàn, sáng tạo và toàn diện (Seoul Declaration for Safe, Innovative and Inclusive AI), được 10 quốc gia ký kết. Tuyên bố kêu gọi tăng cường hợp tác và đối thoại quốc tế, sử dụng AI lấy con người làm trung tâm để giải quyết các thách thức toàn cầu, bảo vệ và thúc đẩy các giá trị dân chủ, pháp quyền, nhân quyền, quyền tự do cơ bản và quyền riêng tư, thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tuyên bố Seoul còn bao gồm một phụ lục “Tuyên bố Seoul về Định hướng hợp tác quốc tế về Khoa học an toàn AI”, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác và điều phối quốc tế trong nghiên cứu khoa học đối với an toàn AI. Trên cơ sở Tuyên bố Seoul, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã công bố thành lập “Mạng lưới quốc tế các Viện nghiên cứu an toàn AI”, nhằm thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu khoa học an toàn AI. Ngoài ra, một kết quả khác của hội nghị lần này là Cam kết An toàn AI tiên phong (The Frontier AI Safety Commitments) được 16 công ty công nghệ AI hàng đầu ký kết.
Hội nghị thượng đỉnh Paris về Hành động AI: Hội nghị thượng đỉnh Paris về Hành động AI được tổ chức từ ngày 10 - 11/2/2025, do Pháp và Ấn Độ đồng tổ chức, quy tụ hơn 1.000 đại diện, bao gồm lãnh đạo từ hơn 100 quốc gia/khu vực, các tổ chức quốc tế, đại diện các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân, các nhóm nghiên cứu và học thuật. Hội nghị này đặt ra ba mục tiêu cốt lõi: Cung cấp các dịch vụ AI độc lập, an toàn và đáng tin cậy cho người dùng; Phát triển AI thân thiện với môi trường; Đảm bảo rằng việc quản lý AI trên toàn cầu có hiệu quả và toàn diện. Hội nghị cũng đề ra năm chủ đề chính: AI vì lợi ích công cộng; Công việc tương lai; Đổi mới và văn hóa; AI đáng tin cậy; Quản trị quốc tế về AI.
Kết quả chính của Hội nghị thượng đỉnh Paris bao gồm Tuyên bố về AI toàn diện và bền vững cho con người (Statement on Inclusive and Sustainable Artificial Intelligence for People and the Planet), được 60 quốc gia/tổ chức quốc tế (bao gồm EU, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ) ký kết. Tuyên bố Paris đạt được sự đồng thuận về sáu ưu tiên, bao gồm: (1) Thúc đẩy khả năng tiếp cận AI để thu hẹp khoảng cách số; (2) Đảm bảo AI là mở, toàn diện, minh bạch, có đạo đức, an toàn và đáng tin cậy; (3) Tạo điều kiện cho sự phát triển AI, thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành AI; (4) Khuyến khích triển khai AI để định hình tích cực tương lai của thị trường lao động và việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; (5) Làm cho AI bền vững đối với con người và hành tinh; (6) Tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy hợp tác trong quản trị quốc tế về AI. Tuyên bố cũng xác định các hành động cụ thể, chẳng hạn như thiết lập một nền tảng và vườn ươm AI vì lợi ích công cộng, thành lập “đài quan sát” về tác động của AI đối với năng lượng. Ngoài ra, hai dự án hợp tác quốc tế được công bố trong hội nghị thượng đỉnh: Một là “Liên minh AI bền vững về mặt môi trường” do Chính phủ Pháp, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (United Nations Environment Programme - UNEP) và ITU cùng khởi xướng, bao gồm 91 thành viên, trong đó có 37 công ty công nghệ và 10 quốc gia. Liên minh này nhằm giải quyết tác động của việc phát triển AI đối với vấn đề môi trường. Thứ hai là Chương trình “AI hiện tại” (Current AI) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư toàn cầu. Chương trình này đã nhận được khoản đầu tư ban đầu là 400 triệu USD từ Chính phủ Pháp, một số tổ chức từ thiện, Google và các công ty công nghệ khác, dự kiến huy động 2,5 tỷ USD trong 5 năm tới để hỗ trợ các dự án AI vì lợi ích chung toàn cầu.
Xu hướng quản trị AI quốc tế tại các hội nghị thượng đỉnh
Từ Bletchley ở Anh, Seoul ở Hàn Quốc, rồi đến Paris ở Pháp, ba hội nghị thượng đỉnh cho thấy xu hướng tham gia rộng rãi hơn của chính phủ, các tổ chức quốc tế và công ty công nghệ vào vấn đề quản trị toàn cầu về AI.
Về mục tiêu quản trị mở rộng từ vấn đề an ninh sang toàn diện các mục tiêu: Hội nghị thượng đỉnh về an ninh AI đầu tiên tập trung vào các rủi ro bảo mật của hệ thống AI. Mặt khác, Hội nghị thượng đỉnh Seoul đã mở rộng chủ đề từ “an ninh” sang “đổi mới và hòa nhập”, nhưng vẫn chủ yếu đặt chương trình nghị sự xung quanh vấn đề “an ninh”. Trong khi đó, mục tiêu và chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh Paris mở rộng sang mọi khía cạnh của quản trị AI, từ tác động của AI đối với lợi ích công cộng, thị trường lao động, ngành công nghiệp văn hóa đến việc sử dụng AI để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đảm bảo tính an toàn, minh bạch và công bằng của AI, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản trị AI.
Việc mở rộng chủ đề của hội nghị thượng đỉnh phản ánh sự cạnh tranh về sức mạnh diễn ngôn trong quản trị AI quốc tế. Mục đích của Vương quốc Anh khi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về an ninh AI đầu tiên là tăng cường vị thế lãnh đạo của mình trong lĩnh vực bảo mật AI và cung cấp con đường thoát khỏi con đường quản trị AI của EU và Mỹ. Về Hội nghị thượng đỉnh Seoul, Anh vẫn nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh Paris, nước chủ nhà Pháp đã giành được ưu thế hơn, không chỉ đưa vấn đề biến đổi khí hậu (mà nước này quan tâm) vào thảo luận hội nghị mà còn mở rộng các chủ đề, giảm tỷ lệ các vấn đề an ninh. Điều này cho thấy Pháp hy vọng xây dựng hội nghị thượng đỉnh thành một nền tảng quản trị AI quốc tế toàn diện hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh của Pháp và toàn bộ EU trong ngành AI, trở thành lực lượng quan trọng thứ ba bên cạnh Mỹ và Trung Quốc.
Mô hình quản trị hướng đến bao quát hơn: Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh AI đầu tiên, Tuyên bố Bletchley được 28 quốc gia/tổ chức quốc tế ký kết và được coi là thành tựu mang tính bước ngoặt trong quản trị quốc tế về an ninh AI. Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh Seoul, quá trình quản trị đã có bước lùi do hội nghị lần này chỉ dành cho “các quốc gia được mời”. Kết quả là chỉ có 11 quốc gia/tổ chức quốc tế ký Tuyên bố Seoul, chưa bằng một nửa so với Tuyên bố Bletchley. Bản chất khép kín của Hội nghị thượng đỉnh Seoul phản ánh xu hướng cạnh tranh từ phía Mỹ/phương Tây với các nước Trung Quốc, Nga để giành vai trò dẫn đầu trong quản trị AI quốc tế, đồng thời nó cũng phản ánh tính cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt trong ngành công nghệ AI.
Tuy nhiên ngay cả Mỹ/phương Tây, lập trường của các quốc gia và tổ chức không hoàn toàn nhất quán. Ví dụ, có sự khác biệt giữa Mỹ và EU về tư duy quản lý và khái niệm quản trị đối với AI. Do đó, Hội nghị thượng đỉnh Paris do Pháp dẫn đầu một lần nữa quay trở lại mô hình quản trị cởi mở và toàn diện. Số lượng quốc gia/khu vực tham gia, sự đa dạng của các tổ chức tham gia và số lượng quốc gia/tổ chức quốc tế đã ký Tuyên bố Paris chứng minh tính toàn diện của Hội nghị thượng đỉnh Paris. Ngoài ra, hàng trăm sự kiện bên lề liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh Paris đã làm phong phú thêm nội dung và chủ đề thảo luận của hội nghị. Tuyên bố Paris cho rằng quản trị AI đòi hỏi phải có sự đối thoại và hợp tác giữa nhiều bên liên quan. Ngoài các cơ quan của chính phủ, tuyên bố này cũng thu hút rộng rãi đại diện từ khu vực tư nhân, các nhóm xã hội dân sự và học viện để cùng thảo luận về các vấn đề quản trị AI. Tính bao trùm và cởi mở của Hội nghị thượng đỉnh Paris cũng được phản ánh trong việc công nhận các sáng kiến đa phương về AI của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và OECD.
Kết quả quản trị toàn cầu đi từ văn bản đến hành động: Kết quả của hai hội nghị thượng đỉnh đầu tiên chủ yếu vẫn ở cấp độ văn bản. Nội dung của Tuyên bố Bletchley và Tuyên bố Seoul mang tính khái niệm nhiều hơn và thiếu triển khai hành động thực tế; “Cam kết An toàn AI tiên phong” do 16 công ty công nghệ ký kết cũng thiếu cơ chế giám sát và khó đảm bảo rằng các cam kết được thực hiện chỉ bằng ý thức tự giác của các công ty. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng các quốc gia đã thực hiện được một số công việc thực tế trong khuôn khổ của hội nghị thượng đỉnh. Ví dụ, sau Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI đầu tiên, Mỹ và Anh đã công bố thành lập Viện an toàn AI; sau đó, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc và các quốc gia khác cũng lần lượt tuyên bố thành lập Viện an toàn AI của riêng mình. Tại Hội nghị thượng đỉnh Seoul, Mạng lưới Viện an toàn AI quốc tế đã được thành lập, đánh dấu sự ra mắt chính thức của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học về an toàn AI. Vào tháng 11/2024, cuộc họp đầu tiên của Mạng lưới Viện được tổ chức tại Mỹ đã công bố kết quả của cuộc thử nghiệm chung đầu tiên.
Hội nghị thượng đỉnh Paris nhấn mạnh hơn vào hành động. Tuyên bố Paris đã đề xuất các hành động cụ thể, chẳng hạn như thành lập một nền tảng và vườn ươm AI vì lợi ích công cộng, hợp tác với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA) để thành lập đài quan sát về tác động của AI đối với năng lượng, thành lập một mạng lưới đài quan sát về tác động của AI đối với thị trường việc làm. Ngoài ra, việc thành lập Liên minh vì AI bền vững với môi trường và ra mắt Chương trình Current AI. Các hành động này phản ánh rằng Hội nghị thượng đỉnh Paris đã có bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy quản trị, hợp tác quốc tế về AI.
Đánh giá triển vọng
Sau ba lần tổ chức, Hội nghị thượng đỉnh AI quốc tế đã đạt được một loạt kết quả bao gồm các tuyên bố, phát biểu, cam kết tự nguyện, báo cáo nghiên cứu an ninh, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về an ninh AI và hợp tác quản trị quốc tế. Tuy nhiên, liệu những kết quả quản trị chung này có thực sự được triển khai hay không cần phải có những cơ chế ràng buộc chặt chẽ hơn. Ngoài ra, liệu việc Mỹ và Anh từ chối ký Tuyên bố Paris tại Hội nghị thượng đỉnh Paris có gây ra sự chia rẽ nội bộ từ phía Mỹ/phương Tây, cũng như ảnh hưởng đến việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần sau hay không vẫn cần phải quan sát thêm. Về lâu dài, nếu hội nghị thượng đỉnh có thể tính đến nhu cầu của các nước đang phát triển, giúp các nước đang phát triển hưởng lợi từ làn sóng thay đổi công nghệ AI và đưa các nước đang phát triển tham gia rộng rãi vào thảo luận về các quy tắc quản trị AI, có thể thúc đẩy hội nghị đóng vai trò lớn hơn trong lĩnh