Ban Cơ yếu Chính phủ tích cực triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ

13:55 | 26/06/2025
M.H

Việc triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ đang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác này vẫn đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ các cấp, ngành.

Gần 257.000 chứng thư số được cung cấp 

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương để đảm bảo cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng công vụ. Theo đó, gần 37.000 hồ sơ yêu cầu chứng thực đã được xử lý, đảm bảo cung cấp gần 257.000 chứng thư số.

Cụ thể, có 147.000 chứng thư số được cấp mới, bao gồm 60.000 USB Token, 3.000 SIM PKI và 74.000 chữ ký số tập trung. Đáng chú ý, 103.000 chứng thư đã được thay đổi thông tin, thể hiện sự chủ động điều chỉnh để phù hợp với những biến động trong cơ cấu tổ chức. Bên cạnh đó, 2.900 chứng thư được gia hạn và 4.000 chứng thư bị thu hồi.

Cùng với đó, công tác hướng dẫn và quản lý cũng được Ban Cơ yếu Chính phủ chú trọng. Ngày 16/5/2025, Ban Cơ yếu Chính phủ đã ban hành Công văn số 275/BCY-CTSBMTT hướng dẫn các đơn vị tăng cường quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ trong quá trình sắp xếp. Đặc biệt, để đảm bảo tính thông suốt, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ cần thực hiện quy trình thay đổi thông tin chứng thư theo thông tin mới, không cần thu hồi và cấp lại từ đầu, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Công văn số 328/CTSBMTT-CTS ngày 18/6/2025 cũng được gửi tới các Văn phòng tỉnh ủy/thành ủy, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố để đôn đốc, hướng dẫn triển khai thống nhất.

Để các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động hơn, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã tiến hành phân cấp, ủy quyền theo Công văn số 23/BCY-CTSBMTT ngày 14/01/2025. Đến nay, 26 Sở Khoa học và Công nghệ, 9 Văn phòng tỉnh ủy/thành ủy và 12 đầu mối bộ, ngành Trung ương đã được phân cấp thực hiện quy trình gia hạn, thay đổi thông tin chứng thư và khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật.

Đặc biệt, Ban Cơ yếu Chính phủ đã hoàn thiện Hệ thống thông tin phục vụ công tác đăng ký, quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ trên môi trường mạng theo mô hình chính quyền 2 cấp. Hệ thống này đã hoàn thành cây tổ chức của hệ thống chính trị với 3.321 xã/phường/đặc khu, sẵn sàng phục vụ việc đăng ký và quản lý chữ ký số trực tuyến.

Thách thức trong phối hợp và điều chỉnh thông tin

Dù đạt được nhiều thành tựu, việc triển khai chữ ký số chuyên dùng công vụ vẫn đối mặt với những khó khăn nhất định. Một trong những vướng mắc lớn nhất là việc hầu hết các cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ có quyết định chính thức về việc sáp nhập, hợp nhất, điều động, bổ nhiệm vào ngày 01/7/2025. Điều này gây bị động trong công tác phối hợp sản xuất và cung cấp thông tin để đảm bảo chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Bên cạnh đó, việc đăng ký nhu cầu sử dụng bằng văn bản giấy vẫn còn khá phổ biến, dẫn đến khó kiểm soát quy trình gửi, nhận và làm chậm tiến độ đáp ứng.

Tăng cường phối hợp để phát huy tối đa hiệu quả chữ ký số

Để công tác quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ được chặt chẽ, hiệu quả, Ban Cơ yếu Chính phủ đã đề nghị các bộ, ban, ngành địa phương phối hợp thực hiện các nội dung: 

Thứ nhất, các bộ, ban, ngành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền nghiên cứu kỹ Công văn số 275/BCY-CTSBMTT ngày 16/5/2025 của Ban Cơ yếu Chính phủ. Trong đó lưu ý, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quy trình thay đổi thông tin chứng thư chữ ký số với thông tin mới khi sắp xếp, không thực hiện quy trình thu hồi cấp lại chứng thư chữ ký số.

Thứ hai, các bộ, ban, ngành chỉ đạo cơ quan chuyên trách trực thuộc khẩn trương tham mưu triển khai đẩy mạnh hoạt động phân cấp, uỷ quyền theo Công văn số 23/BCY-CTSBMTT ngày 14/01/2025 của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Cuối cùng, các cơ quan, đơn vị cử đầu mối phối hợp với Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ để triển khai Hệ thống thông tin theo mô hình chính quyền 2 cấp phục vụ hoạt động đăng ký, quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ trên môi trường mạng.

Việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ là một bước tiến quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Để phát huy tối đa hiệu quả của công cụ này, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa từ tất cả các cấp, ngành, nhằm vượt qua những rào cản hiện tại và thúc đẩy quá trình sắp xếp bộ máy chính trị diễn ra thông suốt, hiệu quả.

Để lại bình luận