Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với Bộ Ngoại giao về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin

08:50 | 24/06/2025

Chiều ngày 23/6, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Ngoại giao về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Anh Tuấn và Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ Vũ Ngọc Thiềm đồng chủ trì buổi làm việc.

Dự buổi làm việc có đồng chí Hồ Văn Hương, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao và Ban Cơ yếu Chính phủ.

Trước đó, ngày 16/3/2023, Bộ Ngoại giao và Ban Cơ yếu Chính phủ đã ký Kế hoạch hợp tác về việc triển khai công tác bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin của Bộ Ngoại giao giai đoạn 2023-2025 (sau đây viết gọn là Kế hoạch số 03).

Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 03 cho thấy: Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, cùng với sự nỗ lực, chủ động của các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin, Bộ Ngoại giao trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, công tác bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin của Bộ Ngoại giao đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Việc duy trì, củng cố, phát triển hệ thống kỹ thuật mật mã, mạng liên lạc cơ yếu tiếp tục được củng cố và phát triển vững chắc bảo đảm kịp thời thông tin bí mật nhà nước phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của Bộ Ngoại giao trong mọi tình huống. Công tác phối hợp triển khai, duy trì bảo đảm kỹ thuật các sản phẩm bảo mật, an toàn thông tin, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, giám sát an toàn thông tin, đào tạo, huấn luyện bồi dưỡng được tăng cường và chặt chẽ hơn.

Cơ quan thường trực của 02 cơ quan (Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin Bộ Ngoại giao) đã phát huy tốt vai trò giúp Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Quang cảnh tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Anh Tuấn cảm ơn Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ và và đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan chức năng của Ban đối với công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin của Bộ Ngoại giao trong thời gian qua, mong muốn Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin, Bộ Ngoại giao hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đồng chí Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng cho biết: Liên quan đến các địa bàn nóng như Ukraine, Iran, Israel, Triều Tiên, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông việc duy trì thông tin liên lạc với nhiều phương thức khác nhau và duy trì công tác mã dịch thủ công là cần thiết, vì vậy cần nghiên cứu các phương án có thể tạo ra một số tổ hợp phương thức liên lạc để có thể triển khai song song tại một số địa bàn khu vực nóng, qua đó tạo ra mạng lưới để hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp, tình huống có chiến tranh. Đồng thời, nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm bảo mât, an toàn thông tin riêng cho hệ Cơ yếu Ngoại giao để bảo đảm cơ động và tăng tính ngụy trang.

Thứ trưởng cũng bày tỏ sự nhất trí với Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc triển khai các giải pháp bảo mật tiên tiến thay thế cho các thiết bị hiện nay đang sử dụng. Riêng với máy tính phục vụ đoàn cấp cao, đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục trang cấp thêm thiết bị cho Bộ Ngoại giao sản phẩm hiện tại hoặc cung cấp giải pháp tương đương và các máy tính, các máy in gọn nhẹ.

Về chữ ký số chuyên dùng công vụ, hiện nay, Bộ Ngoại giao cũng triển khai chữ ký số trên môi trường Internet và các nền tảng quản lý đối với văn bản, dịch vụ công trong và ngoài nước. Vì vậy, đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cấp chữ ký số, hỗ trợ trong việc cài đặt các máy chủ và tham vấn về việc làm sạch và truyền hóa dữ liệu tại Bộ Ngoại giao.

Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi, đối tượng và công cụ giám sát, rà soát các nguy cơ mất an ninh, an toàn, hoàn thiện các quy trình, quy chuẩn về an toàn thông tin và khả năng ứng phó xử lý các sự cố mất an toàn thông tin trong mạng lưới thông tin tại Bộ Ngoại giao, giám sát giúp mạng công nghệ thông tin cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Hỗ trợ thực hiện các công tác kiểm định, đánh giá an ninh, an toàn đối với toàn bộ hệ thống để bảo đảm được an toàn trong trao đổi thông tin nhạy cảm và mật để tránh bị lộ lọt…

Đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ (bên phải) trao tặng Biểu trưng ngành Cơ yếu Việt Nam cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Anh Tuấn (bên trái).

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra các tồn tại, hạn chế trong thực hiện Kế hoạch số 03, kiến nghị, đề xuất và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Thay mặt Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, đồng chí Trưởng ban Vũ Ngọc Thiềm đã cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao trong suốt thời gian qua đã luôn quan tâm đến công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin, góp phần đối với sự phát triển và hoạt động của lực lượng Cơ yếu Ngoại giao.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả việc triển khai công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin của Bộ Ngoại giao, đồng chí Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đề nghị: Tiếp tục triển khai quán triệt Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị và các văn bản, quy định của pháp luật về cơ yếu, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước; Thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có sử dụng cơ yếu hoặc sản phẩm mật mã; Thường xuyên quan tâm, rà soát, quản lý với cán bộ giáo dục về chính trị tư tưởng; Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai các sản phẩm mật mã, các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin, triển khai chữ ký số chuyên dùng công vụ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai mạng liên lạc cơ yếu tại một số cơ quan đại diện trong và ngoài nước nhằm tiến tới từng bước triển khai đồng bộ thống nhất mạng liên lạc cơ yếu; Duy trì công tác kiểm tra cơ yếu cấp dưới, đặc biệt là đồng chí trưởng cơ quan đại diện, kiểm tra công tác quản lý sử dụng sản phẩm mật mã, các hệ thống tích hợp khác…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Sau buổi làm việc, Ban Cơ yếu Chính phủ giao Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã chủ trì, phối hợp với Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin Bộ Ngoại giao tổng kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 03, đề xuất nội dung và tổ chức ký kết kế hoạch hợp tác giai đoạn 2026-2028 vào đầu năm 2026 bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Để lại bình luận