Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, vì sao ngành Cơ yếu được xác định xây dựng tiến thẳng lên hiện đại?
Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm: Ngày 5/3/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 56). Đây là nghị quyết rất quan trọng, định hướng những vấn đề chiến lược để xây dựng và phát triển ngành Cơ yếu cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 56 và xác định ngành Cơ yếu tiến thẳng lên hiện đại trước hết xuất phát từ vị trí, vai trò của hoạt động cơ yếu và lực lượng cơ yếu. Hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng cơ yếu giữ vai trò nòng cốt, góp phần quan trọng trong bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ huy, chỉ đạo của lực lượng vũ trang.
Ngoài ra, những yếu tố như: Thực trạng hoạt động của ngành Cơ yếu; nhu cầu về bảo mật và an toàn thông tin cho phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng tối đa thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào cả lĩnh vực quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội; tác động của tình hình thế giới, khu vực... đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải có chủ trương, giải pháp đột phá phát triển ngành Cơ yếu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
PV: Đồng chí có thể cho biết những mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết 56 của Bộ Chính trị xác định?
Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm: Nghị quyết 56 xác định mục tiêu chung là xây dựng ngành Cơ yếu cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại; lực lượng cơ yếu tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có nền khoa học-công nghệ (KH-CN) mật mã tiên tiến, đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống, phục vụ đắc lực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nghị quyết cũng xác định các mục tiêu trong từng giai đoạn cụ thể, liên quan đến các vấn đề như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về cơ yếu; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam; phát triển đội ngũ chuyên gia; phát triển hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, nâng cao trình độ khoa học trong bảo mật và an toàn thông tin...
PV: Qua hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 56, những kết quả bước đầu đã đạt được là gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm: Ngay sau khi Nghị quyết 56 được ban hành, Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó bước đầu ưu tiên công tác quán triệt nghị quyết và tham mưu cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết trong toàn ngành Cơ yếu và trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Hiện Ban Cơ yếu Chính phủ đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án quan trọng để phát triển chung cho toàn ngành cũng như các lĩnh vực cụ thể của ngành, trong đó có các giải pháp phát triển đồng bộ từ đội ngũ nhân lực, công tác nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm đến hạ tầng kỹ thuật và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Lãnh đạo và cán bộ Ban Cơ yếu Chính phủ tham quan các sản phẩm chuyên ngành do Ban Cơ yếu Chính phủ sản xuất (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).
PV: Thời gian tới, ngành cơ yếu xác định tập trung vào những nhiệm vụ gì để xây dựng lực lượng tiến thẳng lên hiện đại như Nghị quyết 56 đã xác định?
Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm: Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 56, ngành Cơ yếu xác định cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương để rà soát, quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ yếu các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp các quy định của pháp luật và nhiệm vụ công tác cơ yếu trong tình hình mới; quy hoạch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành Cơ yếu; xây dựng cơ chế, chính sách đối với cán bộ, nhân viên cơ yếu, có cơ chế đặc biệt trong tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ công tác đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, phát triển KH-CN mật mã; tổ chức lại và nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo trong ngành Cơ yếu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng nhằm đổi mới phương thức, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ, nhất là các sản phẩm cốt lõi. Cùng với đó, ngành Cơ yếu sẽ đẩy mạnh áp dụng phương thức quản lý, triển khai, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát các sản phẩm mật mã theo hướng tự động, đồng bộ và được tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin - viễn thông quốc gia; tăng cường công tác kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã.
Cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu xác định, quán triệt sâu sắc, nỗ lực cao độ triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả Nghị quyết 56 nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa là cơ sở để ngành hoàn thành xuất sắc công tác cơ mật và trọng yếu trong tình hình mới.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hoàng Hà
18:00 | 11/09/2020
18:00 | 11/09/2020
12:00 | 29/04/2021
09:00 | 17/09/2024
Chính phủ Ấn Độ thông báo đang tích cực triển khai việc thành lập "Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu nghi phạm" nhằm đối phó với tội phạm mạng không biên giới.
08:00 | 26/08/2024
Kể từ tháng 8/2023, các nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay tại Liên minh châu Âu.
09:00 | 12/07/2024
Singapore đang xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật để làm tài liệu tham khảo cho các chuyên gia an ninh mạng muốn cải thiện bảo mật hệ thống Trí tuệ nhân tạo (AI).
16:00 | 20/06/2024
Thời gian qua, ngành Tòa án đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử, đây là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử, hội nhập quốc tế và đưa nền tư pháp Việt Nam tiếp cận với những nền tư pháp hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã có những cải cách mang tính đột phá trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hoạt động Tòa án nhằm tăng cường tiếp cận công lý cho người dân. Trong đó có ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo”.