Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 7 chương 73 điều, bỏ 10 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Dự thảo Luật đã thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW; kế thừa các nội dung cốt lõi trong Nghị quyết số 193/2025/QH15, đồng thời có quy định thông thoáng, mạnh mẽ, đột phá hơn; đã được rà soát, chỉnh lý bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, với các luật và các dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được thông qua với lượng tán thành cao
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo Luật đã xác lập nguyên tắc chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gắn với các biện pháp quản trị rủi ro phù hợp và giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định rủi ro được chấp nhận, quy trình đánh giá việc tuân thủ quy trình, quy định; đồng thời, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đảm bảo vừa khuyến khích sáng tạo, vừa bảo vệ lợi ích cộng đồng.
Thiết lập cơ chế sandbox
Đây là một công cụ pháp lý mới cho phép triển khai các mô hình, công nghệ hoặc chính sách mới trong khung thời gian và phạm vi giới hạn. Cơ chế này tạo điều kiện cho các sáng kiến công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ y tế và giáo dục số được vận hành trong một môi trường pháp lý an toàn trước khi áp dụng rộng rãi.
Đầu tư hạ tầng, phát triển các trung tâm nghiên cứu trình độ cao
Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; phát triển kết nối hạ tầng giữa viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp.
Luật quy định việc đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; từng bước hình thành các trung tâm nghiên cứu trình độ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, bảo đảm phối hợp hiệu quả với mạng lưới viện nghiên cứu chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Luật yêu cầu tăng cường hỗ trợ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, làm chủ và sáng tạo công nghệ. Hoạt động khoa học và công nghệ sẽ được ưu tiên phát triển tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thông qua đầu tư hạ tầng, phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Quy định mới về chấp nhận rủi ro, miễn trách nhiệm dân sự, hình sự
Một trong những nội dung mới đáng chú ý của Luật là quy định rõ ràng về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nếu tuân thủ đầy đủ quy trình và không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí thì được miễn trách nhiệm hành chính, dân sự khi gây thiệt hại cho Nhà nước và không phải hoàn trả kinh phí nếu kết quả không đạt mục tiêu.
Đáng chú ý, Luật quy định loại trừ trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự với những rủi ro xảy ra trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Chính phủ sẽ quy định chi tiết điều này, bao gồm tiêu chí xác định rủi ro được chấp nhận và quy trình đánh giá việc tuân thủ quy trình, quy định pháp luật.
Khuyến khích nghiên cứu mạo hiểm, đầu tư vào công nghệ đột phá
Về định hướng chiến lược và chính sách phát triển khoa học, công nghệ, luật quy định hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, phát triển bền vững và bao trùm. Doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, xây dựng thể chế, thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng khoa học công nghệ hiện đại. Các lĩnh vực có tiềm năng tạo đột phá, công nghệ chiến lược sẽ được ưu tiên nguồn lực. Đặc biệt, Luật lần đầu tiên quy định chính sách khuyến khích nghiên cứu mạo hiểm thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chính sách chia sẻ rủi ro, đầu tư mạo hiểm và các cơ chế tài chính đặc thù khác.
Ngoài ra, nhà nước ưu đãi và áp dụng cơ chế đặc thù để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và ngoài nước, đào tạo, phát triển và trọng dụng nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược và mục tiêu nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia.
Khoán chi linh hoạt trong hoạt động nghiên cứu khoa học
Luật cho phép nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần theo nội dung nghiên cứu. Trong trường hợp khoán đến sản phẩm cuối cùng, tổ chức chủ trì được tự chủ sử dụng kinh phí, quyết định điều chỉnh giữa các khoản mục chi và quyết toán tổng số kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
Trường hợp khoán chi từng phần, tổ chức chủ trì cũng được tự chủ sử dụng kinh phí, trừ một số khoản như mua sắm tài sản, thuê dịch vụ không có định mức hoặc công tác nước ngoài. Ngoài ra, tổ chức chủ trì được phép sử dụng kinh phí để thuê chuyên gia trong nước và quốc tế theo thỏa thuận, chịu trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, lưu trữ chứng từ và giải trình khi cần thiết.
Luật cũng thay đổi cách tiếp cận trong quản lý nhà nước, chuyển từ kiểm soát đầu vào sang đánh giá hiệu quả đầu ra, khuyến khích nghiên cứu hướng tới thực tiễn, chấp nhận rủi ro đi kèm với cơ chế quản trị rủi ro. Các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu được trao quyền sở hữu kết quả để thương mại hóa và hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ sản phẩm ứng dụng, đồng thời được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân từ khoản thu nhập này. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chịu trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể, lấy kết quả làm căn cứ phân bổ nguồn lực và quyết định việc giao nhiệm vụ tiếp theo.
Việc ban hành Luật kỳ vọng sẽ tạo ra một bước chuyển lớn mang tính cách mạng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Luật được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước, xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại và đưa đất nước phát triển bứt phá.