Trình duyệt mới dự kiến sẽ chính thức ra mắt trong vài tuần tới và hứa hẹn mang lại trải nghiệm hoàn toàn khác biệt nhờ tích hợp giao diện trò chuyện giống ChatGPT để thay đổi căn bản cách người dùng truy cập Internet. Sản phẩm cũng sẽ giúp OpenAI tiếp cận trực tiếp hơn với yếu tố cốt lõi làm nên thành công của Google đó là dữ liệu người dùng.
Trình duyệt của OpenAI không chỉ là một công cụ để mở các trang web. Nó được mô tả như một "kẻ thay đổi cuộc chơi" với trí tuệ nhân tạo (AI) làm cốt lõi. Thay vì phải điều hướng qua lại giữa các trang, người dùng có thể thực hiện nhiều tác vụ ngay trong giao diện trò chuyện của trình duyệt.
Đặc biệt, nó có thể được tích hợp một "tác nhân AI" (AI Agent) mang tên Operator, có khả năng tự động thực hiện các công việc thay cho người dùng, chẳng hạn như tự điền biểu mẫu, đặt lịch hẹn hay đặt vé máy bay. Về mặt công nghệ, nó được xây dựng trên nền tảng Chromium của Google, đảm bảo tính tương thích rộng rãi.
OpenAI đã chọn phát triển trình duyệt riêng thay vì chỉ tạo một "plug-in" (tiện ích mở rộng) cài vào trình duyệt của hãng khác nhằm kiểm soát tốt hơn lượng dữ liệu mà họ có thể thu thập từ người dùng, một yếu tố then chốt trong cuộc đua AI.
Nếu được 500 triệu người dùng của ChatGPT đón nhận như kỳ vọng, sản phẩm mới của OpenAI có thể trở thành đối thủ cạnh tranh lớn đối với hệ sinh thái quảng cáo khổng lồ của Google, vốn phụ thuộc nhiều vào trình duyệt Chrome để thu thập dữ liệu và điều hướng truy cập về công cụ tìm kiếm của hãng. Đây là bước đi nằm trong chiến lược dài hạn của OpenAI nhằm tích hợp các dịch vụ của mình sâu hơn vào đời sống cá nhân và công việc hằng ngày của người dùng.
Dù OpenAI từ chối bình luận nhưng thông tin rò rỉ cho thấy sản phẩm mới được phát triển dựa trên mã nguồn mở Chromium - nền tảng chính đằng sau Chrome và các trình duyệt khác như Edge hay Opera. Đáng chú ý, OpenAI từng tuyển dụng 2 Phó Chủ tịch kỳ cựu của Google, cũng là những người nằm trong nhóm phát triển Chrome ban đầu.
Hiện nay Google Chrome đang chiếm hơn 2/3 thị phần toàn cầu với hơn 3 tỷ người dùng, trong khi trình duyệt Safari của Apple đứng thứ 2 với cách biệt khá lớn khi chỉ chiếm khoảng 16% thị phần.
Tầm quan trọng của Chrome trong việc cung cấp dữ liệu người dùng để Alphabet tối ưu hóa quảng cáo đã đạt hiệu quả đến mức Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải thoái vốn sau khi một thẩm phán Mỹ ra phán quyết vào năm ngoái rằng tập đoàn này đang nắm giữ thế độc quyền bất hợp pháp trong mảng tìm kiếm trực tuyến. Tuy nhiên, trước làn sóng AI đang trỗi dậy, vị thế của những “ông lớn” công nghệ cũng có thể bị lung lay. Các đối thủ như Perplexity, The Browser Company hay Brave cũng đang phát triển các trình duyệt tích hợp AI, tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.