Ngành Cơ yếu Việt Nam hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025

07:57 | 08/07/2025

Sáng ngày 07/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 của ngành Cơ yếu Việt Nam. Trung tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ: Thiếu tướng Nguyễn Đăng Lực; Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng; Đại tá Hồ Văn Hương; Lãnh đạo các hệ Cơ yếu và các cơ quan, đơn vị thuộc Ban.

Tại Hội nghị, Tạp chí An toàn thông tin đã trình chiếu video clip báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025 của ngành Cơ yếu Việt Nam, nổi bật là: Chủ động nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu các chủ trương chính sách quan trọng về hoạt động cơ yếu đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang trong mọi tình huống. Tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị với 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch 02-KH/BCĐTW hoàn thành hơn 50% nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tổ chức thành công Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị và tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP.

Trung tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

6 tháng đầu năm đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ yếu và pháp luật có liên quan, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành. Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật An ninh mạng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ yếu. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 15/5/2025 ban hành danh mục bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực cơ yếu; hồ sơ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về mật mã dân sự; theo dõi, tham gia ý kiến vào 13 dự án luật, nghị định, thông tư; ban hành 07 văn bản quản lý ngành và các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn nghiệp vụ.

Tổ chức cơ yếu được sắp xếp tinh gọn; lực lượng cơ yếu được củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Kiện toàn tổ chức cơ yếu các cấp phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; trong đó, sắp xếp tổ chức cơ yếu cấp tỉnh, giải thể cơ yếu cấp huyện, bố trí cơ yếu cấp xã tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng an ninh; đề xuất Ban Tổ chức Trung ương quy định vị trí cơ yếu - chuyển đổi số trong văn phòng cấp ủy các cấp.

Tập trung thực hiện chỉ đạo của Trung ương và phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, quy mô lớn như bảo mật hệ thống khai thác thông tin, tài liệu phục vụ trực tiếp “Hội nghị không giấy tờ” của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các hội nghị Trung ương giúp tiết kiệm nguồn nhân lực, thời gian, chi phí. Triển khai giải pháp bảo vệ bí mật nhà nước, bảo mật, xác thực Hệ thống các nền tảng số, ứng dụng số, dữ liệu trong các cơ quan Đảng đến cấp xã theo mô hình chính quyền 3 cấp (trung ương - tỉnh - xã), bảo đảm sẵn sàng vận hành đồng bộ từ trung ương tới cấp xã từ ngày 01/7/2025. 

Đặc biệt, đã phối hợp hiệu quả với Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo mật đề thi Olympic, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia qua hệ thống thông tin cơ yếu đảm bảo an toàn tuyệt đối, tiết kiệm thời gian, nhân lực và ngân sách nhà nước, nhận được sự đánh giá cáo của xã hội để hướng tới các kỳ thi số Quốc gia trong tương lai. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ mật mã tiếp tục được quan tâm, có ưu tiên trọng tâm, trọng điểm đáp ứng nhu cầu bảo đảm sản phẩm mật mã phục vụ các Hội nghị Trung ương, Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xây dựng, nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái sản phẩm bảo mật của ngành. Tập trung xây dựng, lựa chọn và chuẩn hóa các hệ mật mã khóa công khai an toàn lượng tử; thiết kế, chế tạo vi mạch chuyên dụng phục vụ phát triển thiết bị bảo mật;...

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của các nhóm chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ mới; trong đó, M 2 vinh dự được nhận Giải nhất giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (Vifotec) với công trình "Hệ thống thiết bị bảo mật đường truyền thế hệ mới cho mạng thông tin vệ tinh". Công tác quản lý khoa học và công nghệ có chuyển biến tích cực, các nhiệm vụ nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, ban hành 09 quyết định đưa sản phẩm mật mã vào sử dụng (tăng 80%). Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ của ngành tạo hệ sinh thái trí thức số phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Tại Hội nghị, Trung tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nêu rõ: Đây là thời điểm quan trọng mang tính lịch sử của đất nước, việc “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Với tinh thần không đứng ngoài cuộc trước thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc, thời gian tới, đồng chí Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đề nghị toàn thể cán bộ, nhân viên trong ngành Cơ yếu tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo những nội dung, kế hoạch đã đề ra nhằm chào mừng Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 - 12/9/2025), đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và xây dựng Ngành cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần nghị quyết số 56-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Để lại bình luận