Chiến lược “quân - dân dung hợp” của Trung Quốc

12:31 | 30/06/2025

Chiến lược “quân - dân dung hợp” (Military-Civil Fusion - MCF) của Trung Quốc là một bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc kết hợp sức mạnh kinh tế và quân sự để trở thành siêu cường toàn cầu. Đây là một lý luận và chính sách chiến lược nhằm kết hợp chặt chẽ giữa lĩnh vực quân sự và dân sự để tối ưu hóa nguồn lực, là việc thúc đẩy toàn diện hội nhập quân sự - dân sư trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ (KH&CN), giáo dục, nhân tài. Đồng thời, là sự kết hợp giữa hiện đại hóa quân đội với phát triển kinh tế - xã hội ở phạm vi rộng, mức độ sâu, cung cấp nguồn lực phong phú cho hiện đại hóa quân đội.

Quá trình phát triển

Chiến lược MCF phát triển nhiều giai đoạn, có thể tóm lại như sau: 

Giai đoạn 1949 - 1977 (quân đội là chính yếu) lấy định hướng phát triển “Hai quả bom và một vệ tinh” (phát triển bom nguyên tử, bom khinh khí, tên lửa và vệ tinh nhân tạo), đặt nền móng cho phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. 

Giai đoạn 1978 - 1997 (chuyển đổi từ quân sự sang dân sự) thúc đẩy phát triển ngành KH&CN quốc phòng từ mục đích quân sự sang mục đích dân sự, đưa xây dựng công nghiệp quân sự vào xây dựng kinh tế quốc dân. 

Giai đoạn 1998 - 2007 (kết hợp quân sự - dân sự) phát triển công nghệ sử dụng kép và thúc đẩy ứng dụng công nghệ quân sự vào lĩnh vực dân sự. 

Giai đoạn 2008 - 2014 (phát triển nhanh), cải cách ngành KH&CN quốc phòng và hệ thống mua sắm trang thiết bị quân sự; doanh nghiệp dân sự bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp quân sự. 

Giai đoạn 2015 - nay (phát triển toàn diện), hội nhập quân sự - dân sự được nâng lên thành chiến lược quốc gia, MCF đã hình thành mô hình phát triển sâu rộng.

Định hướng phát triển MCF từ Đại hội XVIII (2012) đến nay

Tháng 11/2012, Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra những sắp xếp chiến lược nhằm kiên trì con đường phát triển hội nhập quân sự - dân sự đặc sắc Trung Quốc, thống nhất mục tiêu vừa phát triển đất nước thịnh vượng vừa xây dựng cường quốc quân sự. Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành (BCH) Trung ương ĐCSTQ khóa XVIII (2013) đã đưa cải cách phát triển hội nhập quân sự - dân sự vào bố cục chung của cải cách sâu rộng. Tháng 3/2015, Trung Quốc nâng tầm phát triển hội nhập quân sự - dân sự thành chiến lược quốc gia. Tháng 2/2016, "Kế hoạch hành động đặc biệt năm 2016 về hội nhập quân sự - dân sự của Cục KH&CN và Công nghiệp quốc phòng" được thông qua nhằm tối ưu cơ chế, thể chế, chính sách và môi trường, thúc đẩy sự phát triển của sự hội nhập quân sự - dân sự của ngành KH&CN quốc phòng. Tháng 7/2016, BCH Trung ương ĐCSTQ, Chính phủ và Quân ủy Trung ương  cùng ban hành "Ý kiến về phát triển thống nhất xây dựng kinh tế và xây dựng quốc phòng" xác định thực hiện chiến lược phát triển hội nhập quân sự - dân sự là trách nhiệm chung của cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan quân sự các cấp.

Tháng 4/2017, "Kế hoạch phát triển tích hợp KH&CN quân sự - dân sự trong giai đoạn kế hoạch 5 năm lần thứ 13" định hướng đến năm 2020, hình thành mô hình tích hợp sâu rộng KH&CN quân sự - dân sự toàn diện, đa lĩnh vực, hiệu quả cao. Tháng 11/2017, chính phủ Trung Quốc ban hành "Ý kiến thúc đẩy phát triển sâu rộng hội nhập quân sự - dân sự trong lĩnh vực KH&CN quốc phòng", đẩy mạnh hội nhập từ bảy phương diện, gồm: Tích cực đưa vốn xã hội tham gia vào cổ phần của doanh nghiệp quân sự; Tăng cường chia sẻ nguồn lực quân sự và dân sự; Hỗ trợ chuyển đổi thành tựu công nghệ quân sự và dân sự; Phát triển các lĩnh vực trọng điểm như không gian, không gian mạng và đại dương; Thúc đẩy công nghiệp quân sự phục vụ phát triển kinh tế quốc dân... Tháng 3/2018, tại phiên họp toàn thể thứ nhất của Ủy ban Trung ương về hội nhập phát triển quân sự - dân sự thông qua “Đề cương chiến lược phát triển hội nhập quân sự - dân sự”, đề ra định hướng quan trọng để phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Từ giai đoạn 2021 đến nay, ĐCSTQ ít đề cập đến MCF. Theo đánh giá của các chuyên gia, lý do là vì để giảm bớt phản ứng từ quốc tế, nhất là từ Mỹ và phương Tây liên quan đến chiến lược này. Còn trên thực tế MCF vẫn tiếp tục được đẩy mạnh ở các cấp. 

Về hệ thống cơ cấu tổ chức

Năm 2008, Trung Quốc giải tán Ủy ban KH&CN Quốc phòng, thay vào đó là thành lập Cục KH&CN Công nghiệp Quốc phòng và do Bộ Công nghiệp & Công nghệ thông tin tin quản lý; đây là cơ quan hành chính thuộc chính phủ phụ trách phát triển ngành KH&CN quốc phòng. Năm 2010, Trung Quốc thành lập "Nhóm điều phối liên bộ về xây dựng hệ thống nghiên cứu khoa học và sản xuất vũ khí, trang thiết bị tích hợp quân sự - dân sự". Tháng 1/2017, ĐCSTQ thành lập Ủy ban Trung ương về phát triển toàn diện quân sự, trở thành cơ quan lãnh đạo và ra quyết định cao nhất ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy thực hiện chiến lược MCF. Về phía quân đội, Quân ủy Trung ương (CMC) là cơ quan lãnh đạo cao nhất về hợp nhất quân sự - dân sự. Tháng 1/2016, CMC được tổ chức lại thành bảy ban, ba ủy ban và năm cơ quan trực thuộc; trong đó, Ủy ban KH&CN chịu trách nhiệm điều phối phát triển hội nhập quân sự - dân sự lĩnh vực KH&CN. 

Để triển khai trực tiếp, Cục KH&CN và Công nghiệp Quốc phòng (thuộc Bộ Công nghiệp & Công nghệ thông tin) quản lý 12 công ty, tập đoàn công nghiệp quân sự, tương ứng với sáu ngành công nghiệp chiến lược (Ngành công nghiệp hạt nhân có Tổng công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc và Tổng công ty kỹ thuật hạt nhân Trung Quốc; Ngành hàng không vũ trụ có Tổng công ty KH&CN hàng không vũ trụ Trung Quốc và Tổng công ty khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc; Ngành hàng không có Tổng công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc và Tổng công ty động cơ hàng không Trung Quốc; Ngành vũ khí có Tổng công ty công nghiệp quân nhu Trung Quốc và Tổng công ty thiết bị quân nhu Trung Quốc; Ngành đóng tàu có Tổng công ty công nghiệp đóng tàu Trung Quốc và Tổng công ty công nghiệp đóng tàu Trung Quốc; Ngành thông tin điện tử có Tổng công ty công nghệ điện tử Trung Quốc và Tổng công ty công nghiệp thông tin điện tử Trung Quốc). Ngoài ra còn có các học viện quân sự và các trường đại học thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển KH&CN và đào tạo nhân tài quân sự chất lượng cao (43 học viện quân sự và 16 trường đại học trọng điểm).

Các lĩnh vực chính của MCF

MCF bao gồm sáu lĩnh vực quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau: Một là, hợp nhất cơ sở công nghiệp quốc phòng với công nghệ dân sự và cơ sở công nghiệp. Hai là, tích hợp và tận dụng các sáng kiến KH&CN các lĩnh vực quân sự và dân sự. Ba là, bồi dưỡng nhân tài, kết hợp chuyên môn và kiến thức quân sự và dân sự. Bốn là, xây dựng các yêu cầu quân sự vào cơ sở hạ tầng dân sự, tận dụng xây dựng dân sự cho mục đích quân sự. Năm là, tận dụng năng lực hậu cần và dịch vụ dân sự cho mục đích quân sự. Sáu là, mở rộng hệ thống huy động quốc phòng để bao gồm tất cả các khía cạnh có liên quan của xã hội và nền kinh tế để sử dụng trong cạnh tranh và chiến tranh. 

Với tư cách là lĩnh vực cốt lõi của hội nhập quân sự - dân sự, Trung Quốc đẩy nhanh sự phát triển của các lĩnh vực kỹ thuật bao gồm: an ninh thông tin, điện tử quân sự, công nghệ thông tin thế hệ mới, hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân và các ứng dụng công nghệ hạt nhân, thiết bị cơ điện và vật liệu mới,... nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực mới nổi như hàng không vũ trụ, vận chuyển chiến lược (khả năng nhanh chóng vận chuyển quân đội, thiết bị và vật tư từ nơi này đến nơi khác) và quản lý biên giới, phòng thủ trên biển và trên không; xây dựng hệ thống công nghiệp đa lĩnh vực về điện toán đám mây, graphene (một loại vật liệu siêu mỏng), truyền thông lượng tử và các ngành sản xuất thông minh.

Kết quả phát triển

Sau một thập kỷ phát triển nhanh chóng, MCF đã chuyển đổi nhanh chóng các cơ sở công nghiệp quốc phòng, thúc đẩy tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Hiện tại, mức độ tích hợp quân dân sự của Trung Quốc vào khoảng 40% với khoảng 36 căn cứ trình diễn hội nhập quân - dân cấp quốc gia. So với 90% thị phần đơn đặt hàng quốc phòng và quân sự của các doanh nghiệp tư nhân tại Hoa Kỳ cho thấy hội nhập quân sự - dân sự của Trung Quốc đang chuyển từ giai đoạn đầu sang giai đoạn trung bình. Năm 2022, giá trị sản lượng của ngành công nghiệp tích hợp quân sự - dân sự của Trung Quốc đạt khoảng 4,59 nghìn tỷ nhân dân tệ, trong đó giá trị sản lượng của lĩnh vực quân sự là 0,61 nghìn tỷ nhân dân tệ, giá trị sản lượng của lĩnh vực dân sự là 3,98 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Phản ứng của quốc tế

Hoa Kỳ coi chiến lược MCF của Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và lợi ích công nghệ, do đó đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế, bao gồm: 

Một là sử dụng danh sách đen: Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ yêu cầu công bố danh sách các thực thể được coi là "các công ty quân sự Trung Quốc" để đưa ra các biện pháp cấm vận, hạn chế. 

Hai là kiểm soát xuất khẩu: Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để hạn chế việc chuyển giao các công nghệ nhạy cảm cho các thực thể liên quan đến hợp nhất quân sự - dân sự của Trung Quốc. 

Ba là hạn chế mua sắm liên bang: Các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ bị cấm mua sắm thiết bị hoặc dịch vụ từ một số công ty Trung Quốc do lo ngại về hoạt động gián điệp và bảo mật dữ liệu; Quy định mua sắm của liên bang (FAR) bao gồm các điều khoản ngăn chặn các nhà thầu sử dụng thiết bị từ các công ty như Huawei và ZTE. 

Bốn là hạn chế đầu tư: Các lệnh hành pháp đã được ban hành để cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty liên quan đến quân đội Trung Quốc. Lệnh hành pháp 13959 được Tổng thống Donald Trump ban hành vào năm 2020 và cấm các công dân Hoa Kỳ mua hoặc đầu tư vào các chứng khoán được giao dịch công khai của các công ty được Bộ Quốc phòng xác định là "các công ty quân sự của ĐCSTQ". Năm 2021, Tổng thống Biden đã ký Sắc lệnh hành pháp 14032 mở rộng Sắc lệnh hành pháp 13959 để mở rộng phạm vi bao gồm các công ty tham gia vào lĩnh vực công nghệ giám sát của Trung Quốc. Sắc lệnh này cũng nhằm mục đích ngăn chặn các khoản đầu tư của Hoa Kỳ hỗ trợ các công ty Trung Quốc làm suy yếu an ninh hoặc các giá trị dân chủ của Hoa Kỳ.

Các nước châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng MCF để tiếp cận công nghệ tiên tiến thông qua các khoản đầu tư và hợp tác dân sự. Nhật Bản, Hàn Quốc với tư cách là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, quan ngại về việc MCF tăng cường năng lực quân sự của Trung Quốc ở khu vực Đông Á, đặc biệt trong các tranh chấp ở biển Hoa Đông và vấn đề Triều Tiên. Nhật Bản, Hàn Quốc một mặt tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và các nước đồng minh, đồng thời cũng đầu tư vào công nghệ quốc phòng để đối phó với sự phát triển của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh mạng và hệ thống phòng thủ tên lửa. Các nước ASEAN có quan điểm khác nhau về MCF do sự phụ thuộc kinh tế và các lợi ích địa chính trị khác nhau. Philippines và Malaysia lo ngại về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông được hỗ trợ bởi MCF. Trong khi một số nước như Campuchia và Lào có thái độ trung lập hoặc ít phản ứng, do phụ thuộc vào đầu tư và viện trợ kinh tế từ Trung Quốc.

Đánh giá chung

Có thể nói, MCF đã giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách công nghệ với các cường quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực như AI, hệ thống không người lái, an ninh mạng và công nghệ không gian. MCF hỗ trợ PLA hiện đại hóa nhanh chóng, với các hệ thống vũ khí tiên tiến như tên lửa siêu thanh, tàu sân bay và vệ tinh quân sự. Điều này giúp Trung Quốc củng cố vị thế ở các khu vực tranh chấp như Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chiến lược này tận dụng nguồn lực từ khu vực tư nhân, giảm chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cho quân đội, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp dân sự thông qua các hợp đồng quốc phòng. Trung Quốc sử dụng cơ chế kiểm soát tập trung, kết hợp các chính sách ưu đãi và quy định bắt buộc để đảm bảo các công ty dân sự tham gia vào MCF, tạo ra sự phối hợp hiệu quả giữa nhà nước, doanh nghiệp và quân đội.

Tuy nhiên, MCF đã gây ra sự cảnh giác từ các nước, làm gia tăng cuộc đua công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như AI, 5G và không gian. Các quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ buộc phải đầu tư mạnh hơn để duy trì lợi thế. MCF cũng thúc đẩy nguy cơ căng thẳng ở các khu vực như Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc sử dụng công nghệ tiên tiến để củng cố các yêu sách lãnh thổ. 

Chiến lược MCF của Trung Quốc là một bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc kết hợp sức mạnh kinh tế và quân sự để trở thành siêu cường. MCF đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc hiện đại hóa quân đội và thúc đẩy công nghệ, nhưng cũng đối mặt với phản ứng quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, MCF sẽ tiếp tục là một yếu tố định hình chính sách an ninh và công nghệ của Trung Quốc, đồng thời kích hoạt các phản ứng đối phó từ các quốc gia khác.

Để lại bình luận