Ngày 26/6, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05 - Bộ Công an) đã phối hợp cùng Google chính thức triển khai Chiến dịch “An toàn hơn cùng Bộ Công an và Google”. Chiến dịch tuyên truyền nhằm trang bị cho cộng đồng kiến thức hữu ích giúp nhận diện và tránh xa các hình thức lừa đảo trực tuyến tinh vi, củng cố nền tảng an toàn cần thiết cho một xã hội số lành mạnh.
Phát biểu tại sự kiện, Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục trưởng Cục A05, nhấn mạnh: “Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao cùng công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh, triệt phá nhiều nhóm tội phạm trên không gian mạng, trong đó trọng tâm là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng”.
Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục trưởng Cục A05 tại sự kiện (Ảnh: BTC).
7 hình thức lừa đảo trực tuyến được công bố
Tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn đối với người dùng cá nhân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp. Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2024 ghi nhận hơn 6.000 vụ việc với tổng thiệt hại vượt 12.000 tỷ đồng. Một báo cáo gần đây cũng chỉ ra rằng 70% người dân Việt Nam từng tiếp xúc với ít nhất một cuộc gọi hoặc tin nhắn lừa đảo mỗi tháng. Những con số đáng báo động này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phổ cập kiến thức an toàn mạng tới mọi tầng lớp người dân.
Theo Đại tá Nguyễn Huy Lục, Trưởng phòng 5, Cục A05, tại Việt Nam hiện nay diễn ra 7 hình thức lừa đảo phổ biến nhất bao gồm: Lừa đảo mạo danh cơ sở giáo dục; Lừa đảo thu hồi vốn treo; Lừa đảo thanh toán dịch vụ; Lừa đảo mua bán và du lịch trực tuyến; Lừa đảo mạo danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án; Lừa đảo tình cảm trục lợi tài chính; Lừa đảo đầu tư trên nền tảng giả mạo.
Ngoài ra, chiến dịch cũng sẽ giới thiệu chuỗi 8 video giáo dục, mỗi video dài một phút, với sự tham gia của các chuyên gia từ Google và Cục A05. Các video này sẽ làm rõ 7 hình thức lừa đảo phổ biến nhất và cung cấp cho khán giả các lời khuyên và công cụ phòng ngừa hữu ích.
Để ứng phó hiệu quả, Đại tá Lục đưa ra 5 giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; Tăng cường điều tra, xử lý các đường dây tội phạm; Mở rộng hợp tác quốc tế; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng chống tội phạm; Nâng cao nhận thức người dân thông qua truyền thông và giáo dục.
Tầm quan trọng của công tác tuyên truyền
Cốt lõi của mối quan hệ hợp tác này là một chiến dịch tuyên truyền tập trung trên các nền tảng trực tuyến, được thiết kế kỹ lưỡng nhằm thúc đẩy phong trào toàn quốc về an toàn số. Hơn 200 nhà sáng tạo YouTube đã đăng ký tham gia với vai trò truyền tải thông điệp chiến dịch. Với sức ảnh hưởng lớn và giá trị chân thật trong chia sẻ của mình, các nhà sáng tạo nội dung này sẽ lồng ghép các thông tin quan trọng liên quan đến chống lừa đảo, kết hợp cùng câu chuyện cá nhân thông qua cách thức tương tác và gắn kết để chia sẻ đến hàng triệu người theo dõi của mình. Điều này đảm bảo mọi người, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, được trang bị kiến thức cần thiết để tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Thượng tá Nguyễn Bá Sơn khẳng định công tác tuyên truyền, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức người dân, là yếu tố then chốt để hạn chế tình hình tội phạm lừa đảo trực tuyến. “Để thực hiện có hiệu quả công tác này, cần sự chung tay của toàn xã hội nhằm xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Đặc biệt là cần có sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp xuyên quốc gia có lượng người dùng lớn tại Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao sự chủ động, tinh thần hợp tác và chuẩn bị kỹ lưỡng của các đơn vị, cũng như cam kết chủ động từ Google và các nhà sáng tạo nội dung. Chiến dịch này thể hiện sự tự chủ, quyết tâm và phối hợp có trách nhiệm giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong việc bảo vệ công dân trên không gian mạng và tạo lập môi trường số an toàn, lành mạnh”, Phó Cục trưởng A05 đánh giá.
Google cam kết vì một không gian mạng lành mạnh
Theo ông Marc Woo, Tổng Giám đốc Google Việt Nam, Google nhận thức rõ mối đe dọa ngày càng gia tăng của các hình thức lừa đảo trực tuyến và cam kết tận dụng công nghệ của mình để đối phó với các thách thức đáng báo động này. Ông cho biết, chức năng bảo vệ chống lừa đảo của Google Play đã ngăn chặn 4,5 triệu lượt cài đặt các ứng dụng nghi ngờ chứa mã độc trên 1 triệu thiết bị Android.
“Cam kết của chúng tôi không chỉ thể hiện thông qua sản phẩm, mà còn nới rộng thông qua hợp tác có trách nhiệm trong việc xây dựng một hệ sinh thái số nơi mọi người đều có thể phát triển mà không phải lo lắng. Chúng tôi đã chứng kiến tận mắt cách các hình thức lừa đảo này làm xói mòn niềm tin và gây ra những tổn thất nặng nề. Mối quan hệ hợp tác toàn diện với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là minh chứng cho cam kết sâu sắc của Google trong việc góp phần xây dựng một không gian số an toàn hơn cho người dân Việt Nam”, Tổng Giám đốc Google Việt Nam khẳng định.
Tổng Giám đốc Google Việt Nam, ông Marc Woo cho biết, Google cam kết sử dụng công nghệ, dữ liệu và năng lực toàn cầu để hỗ trợ chính phủ và người dân Việt Nam phòng chống tội phạm mạng
Mối quan hệ hợp tác lần này với Cục A05 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong cam kết lâu dài của Google, góp phần trực tiếp giải quyết vấn đề cấp thiết về lừa đảo trực tuyến và tăng cường lớp bảo vệ công nghệ cho người dùng mỗi ngày.
Từ năm 2021 đến nay, Google đã triển khai nhiều chương trình giáo dục số tại Việt Nam, như “Em an toàn hơn cùng Google”, “An toàn lên mạng, an tâm vui sống” dành cho trẻ em và người cao tuổi. Gần đây nhất, vào cuối năm 2024, Google hợp tác cùng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) ra mắt sáng kiến “Ứng dụng chính phủ chính thức” nhằm xác thực các phần mềm nhà nước trên Google Play, ngăn chặn nguy cơ giả mạo và lừa đảo ứng dụng.
Chiến dịch “An toàn hơn cùng Bộ Công an và Google” là minh chứng rõ nét cho cách tiếp cận đa ngành, đa đối tác trong bảo vệ không gian mạng. Thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực, chiến dịch kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm thiểu rủi ro lừa đảo trực tuyến, đồng thời tạo dựng nền tảng vững chắc để mỗi công dân và doanh nghiệp Việt Nam có thể phát huy trọn vẹn tiềm năng số trong môi trường an toàn và tin cậy.