Tọa đàm trực tuyến "Sẽ có nhiều thay đổi trong công tác quản lý nhà nước về MMDS?"
Nghị định số 58 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự (MMDS). Qua gần 8 năm thực hiện, Nghị định 58 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai quản lý nhà nước về MMDS theo Luật an toàn thông tin mạng, là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS và là căn cứ pháp lý để thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực MMDS.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, Nghị định 58 gặp phải một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn như: các quy định về xử lý vi phạm hành chính tại nghị định không còn phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; các yêu cầu về cải cách hành chính, đơn giản hóa quy định điều kiện kinh doanh chưa được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung; còn thiếu các quy định chi tiết về quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp sản phẩm MMDS...
Trong bối cảnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đang tiến hành xây dựng nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về MMDS thay thế Nghị định 58. Hiện Dự thảo nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức và cá nhân. Liệu nghị định mới sẽ có những thay đổi như thế nào trong công tác quản lý nhà nước về MMDS?
Để quý vị khán giả có thể hiểu rõ hơn lộ trình cũng như những thay đổi dự kiến trong nghị định, Tạp chí An toàn thông tin mời đến trường quay ông Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (QLMMDS&KĐSPMM).
Phóng viên: Nghị định 58 đã có một chặng đường 8 năm triển khai có hiệu lực, ông Hồ Văn Hương có đánh giá như thế nào về công tác triển khai Nghị định 58 trong thời gian qua?
Ông Hồ Văn Hương: Ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58 quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS. Qua gần 8 năm thực hiện, Nghị định đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quản lý nhà nước về MMDS theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng như sau:
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn thực hiện Nghị định số 58
Sau khi Nghị định số 58 được ban hành, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao Ban Cơ yếu Chính phủ ban hành Kế hoạch số 1261 ngày 15/9/2016 triển khai thực hiện Nghị định. Theo đó, Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về MMDS và tổ chức thực hiện quản lý, cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS và thực hiện các nhiệm vụ liên quan.
Ngày 28/6/2019, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 2521 chỉ định Cục QLMMDS&KĐSPMM/BCYCP là tổ chức chứng nhận sự phù hợp sản phẩm MMDS.
Hằng năm, Cục đã chủ trì tổ chức hội nghị phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về quản lý MMDS cho các doanh nghiệp. Đến nay, Cục đã tổ chức 15 hội nghị, trong đó có 03 hội nghị cấp quốc gia triển khai thực hiện Nghị định số 58 và các văn bản liên quan. Thông tin về văn bản quản lý MMDS và các hoạt động liên quan thường xuyên được đăng tải trên các phương tiện truyền thông; cập nhật các tin, bài trên Trang thông tin điện tử của cục có tên miền nacis.gov.vn.
Về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 58, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 53 ngày 16/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58 và Nghị định số 32 ngày 09/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành 3 gồm: Thông tư số 161 năm 2016, Thông tư số 23 năm 2022 và Thông tư số 96 năm 2023 ban hành một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực MMDS; xây dựng và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 68 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực MMDS.
Về công tác quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS, xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS
Triển khai Luật An toàn thông tin mạng và Nghị định số 58 từ 01/7/2016 đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS cho trên 300 doanh nghiệp; tiếp nhận, xử lý và giải quyết đối với hơn 1.000 hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS và gần 2.000 hồ sơ cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS. Thủ tục hành chính về cấp phép kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS được thực hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công Bộ Quốc phòng.
Cho đến nay, cơ sở dữ liệu Danh mục sản phẩm, dịch vụ MMDS và Danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép đã được xây dựng và cập nhật với 8 nhóm trên 10 ngàn sản phẩm MMDS và 03 nhóm dịch vụ MMDS được quản lý, cấp phép.
Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
Triển khai thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh, sử dụng sản phẩm, dịch vụ MMDS, từ năm 2017 đến nay, cơ quan trực tiếp quản lý đã tiến hành 11 đợt kiểm tra đối với 95 tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng sản phẩm MMDS. Về cơ bản, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, sử dụng sản phẩm MMDS chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Đại tá, TS. Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Phóng viên: Theo như chia sẻ của ông qua 08 năm thực hiện, Nghị định số 58 đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS; và cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực MMDS. Ông có thể làm rõ hơn về mục đích của việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 58 hiện hành là gì?
Ông Hồ Văn Hương: Nghị định thay thế Nghị định số 58 được xây dựng với mục đích: Hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh doanh sản phẩm dịch vụ MMDS, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS, đánh giá sự phù hợp sản phẩm MMDS để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về MMDS; Khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 58; Đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật An toàn thông tin mạng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, rào cản không cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh trong lĩnh vực MMDS; Thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm MMDS theo Nghị quyết 68 ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Phóng viên: Để bắt tay xây dựng một dự thảo nghị định phù hợp với yêu cầu thực tiễn, mà phải bao quát được các vấn đề trong tương lai, thì quan điểm khi xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 58 hiện hành được triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Hồ Văn Hương: Trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 58, Ban Cơ yếu Chính phủ thống nhất quan điểm: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với quy định của Luật An toàn thông tin mạng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật về chuyên ngành như: Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo Nghị định trong hệ thống pháp luật và các văn bản làm căn cứ pháp lý; Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS, đánh giá sự phù hợp sản phẩm MMDS.
Phóng viên: Hiện nay Nghị định thay thế Nghị định 58 đang trong quá trình xin ý kiến rộng rãi của các tổ chức và cá nhân. Ông Hương có thể thông tin cho các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định tại đây không?
Ông Hồ Văn Hương: Dự thảo Nghị định gồm phần căn cứ pháp lý gồm 05 chương, 17 điều và 03 phụ lục. Trong đó: Chương I: Những quy định chung (02 điều); Chương II: Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS (05 điều); Chương III: Đánh giá sự phù hợp sản phẩm MMDS (03 điều); Chương IV: Xử lý vi phạm (04 điều); Chương V: Điều khoản thi hành (03 điều).
Phóng viên: Với 5 chương 17 điều, dự thảo Nghị định mới sẽ thay đổi như thế nào trong việc cấp giấy phép kinh doanh và xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS?
Ông Hồ Văn Hương: So với Nghị định số 58, Danh mục sản phẩm, dịch vụ MMDS và Danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép (ban hành tại Phụ lục I, Phụ lục II Dự thảo Nghị định) đã có một số điều chỉnh phù hợp với thực trạng hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS, đồng thời phù hợp với yêu cầu quản lý các sản phẩm MMDS hiện nay, cụ thể:
Danh mục sản phẩm, dịch vụ MMDS có 07 nhóm sản phẩm, trong đó: Bổ sung Danh mục sản phẩm MMDS loại trừ (từ 09 nhóm tăng lên 12 nhóm).
Thay đổi cấu trúc và nội dung của Danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép (gồm tên sản phẩm, mã số HS, mô tả hàng hóa, mô tả đặc tính kỹ thuật mật mã) trên cơ sở kế thừa Danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 32.
*còn nữa…
Mai Hương
10:00 | 08/04/2024
10:00 | 03/04/2024
16:00 | 04/07/2024
14:00 | 22/07/2024
09:00 | 08/10/2024
Theo thông tin từ Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ, hoạt động cấp phép mật mã dân sự (MMDS) trong quý III/2024 tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2023.
10:00 | 10/07/2024
Nghị định số 58 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự (MMDS). Qua gần 8 năm thực hiện, Nghị định 58 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS và là căn cứ pháp lý để thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực MMDS. Tuy nhiên, hiện Nghị định đang gặp phải một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.
11:00 | 25/01/2024
Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, mã hóa thông tin trở thành một ngành quan trọng và có nhiều ứng dụng trong đời sống xã hội, các ứng dụng, thiết bị mã hóa và bảo mật thông tin đang được sử dụng ngày càng phổ biến hơn trong các lĩnh vực khác nhau trên thế giới, từ lĩnh vực an ninh, quân sự, quốc phòng,… đến các lĩnh vực dân sự như thương mại, điện tử… Bài viết sẽ giới thiệu tóm tắt một số nội dung có trong tiêu chuẩn TCVN 11367-3:2016 về Công nghệ thông tin – Các kỹ thuật an toàn – Thuật toán mật mã, phần 3: Mã khối.
07:00 | 15/01/2024
Các nhà nghiên cứu đến từ Phòng thí nghiệm bảo mật SRLabs (Đức) tạo ra một bộ giải mã có khả năng khôi phục miễn phí tệp tin cho các nạn nhân của mã độc tống tiền Black Basta.