Chân dung Tiến sĩ David Kahn (2009)
David Kahn sinh ngày 7/2/1930 tại Thành phố New York, có mẹ là Florence Abraham Kahn, một nhà sản xuất kính và bố là Jesse Kahn, một luật sư.
Mối tình cả đời của Tiến sĩ Kahn với mã hóa (codes) và mã mật (ciphers) bắt đầu khi còn là một cậu bé ở Great Neck, ông đọc cuốn sách “Secret and Urgent” năm 1939 của Fletcher Pratt về lịch sử của mã hóa và mã mật.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bucknell và trong khi làm phóng viên cho Newsday - tờ nhật báo của Long Island, ông đã viết một bài báo cho The New York Times Magazine vào năm 1960 về các tiết lộ của hai kẻ đào tẩu từ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), đây là tổ chức lập mã và thám mã siêu bí mật của quốc gia. Điều này sau đó đã dẫn đến việc ông được ký hợp đồng viết một cuốn sách về mã hóa và mật mã vào năm 1961, mà một phần của nó được viết trong 02 năm ông làm biên tập viên của tờ International Herald Tribune tại Paris. Đó cũng chính là nguồn gốc của cuốn sách nổi tiếng của ông, The Codebreakers. Thời gian đầu, Kahn viết sách theo dạng bán thời gian, nhưng sau đó có những thời điểm ông đã bỏ cả công việc bình thường của mình để viết sách toàn thời gian.
Năm 1969, Kahn kết hôn với Susanne Fiedler nhưng cuộc hôn nhân này không kéo dài lâu. Họ có hai con trai là Oliver và Michael. Mặc dù, David Kahn lập gia đình ở Great Neck, Long Island, ngoại ô New York, nhưng ông đã sống nhiều năm ở Washington, Paris (Pháp), Freiburg-im-Breisgau (Đức) và Oxford (Anh), tại những nơi này ông đã gặp nhiều chuyên gia tình báo chính trị và quân sự.
Kể từ lần đầu tiên được người Sparta chấp nhận vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên, mật mã đã trở thành một lĩnh vực của quân đội, chính phủ và gián điệp. Các chính phủ qua các thời đại đã cố gắng kiểm soát việc phổ biến thông tin liên quan đến khoa học mật mã (bao gồm cả lập mã - tạo ra mã hóa và mã mật, cũng như phân tích mật mã - giải hoặc “phá vỡ” mã hóa hay mã mật) và việc sử dụng rộng rãi nó. Cho đến những năm cuối của thập niên 1960, có rất ít tài liệu được công bố liên quan đến lĩnh vực này và cộng đồng nghiên cứu mở đã khó có thể biên soạn một tài liệu chính xác về lịch sử của chủ đề này.
Chính trong bối cảnh này, vào những năm đầu thập niên 1960, David Kahn đã bắt đầu viết sách về mật mã học. Cuốn sách của ông, The Codebreakers - The Story of Secret Writing được xuất bản năm 1967 là kết quả của hơn 4 năm nghiên cứu miệt mài biên soạn nội dung từ các cuộc phỏng vấn với các nhà mật mã học, các tài liệu chưa được công bố trong kho lưu trữ và các bài báo khoa học.
The Codebreakers được giới độc giả đánh giá cao, nội dung trình bày toàn bộ phạm vi của môn học dưới dạng dễ hiểu. Bìa sách có dòng tuyên bố “Lịch sử toàn diện đầu tiên về giao tiếp bí mật từ thời cổ đại đến ngưỡng cửa của không gian vũ trụ” – “The first comprehensive history of secret communication from ancient times to the threshold of outer space”.
The Codebreakers đã trở thành một tác phẩm tham khảo không thể thiếu cho những ai bước vào cộng đồng mật mã thương mại mới nổi trong những năm 1970 và 1980. Sự pha trộn giữa sự kỹ lưỡng về kỹ thuật và chất văn xuôi đã giúp nội dung cuốn sách trở nên hấp dẫn. Để đọc hết hơn 1.000 trang, thì độc giả cũng phải mất một thời gian đáng kể. Điều đặc biệt quan trọng là cách cuốn sách cung cấp bối cảnh của cả các yếu tố lập mã và phân tích mật mã của lĩnh vực này, đã làm nổi bật những gì chúng ta thấy bây giờ là trò chơi đối đầu được chơi bởi những người muốn bảo vệ dữ liệu và những người muốn phá hoại. Một nhà mật mã giỏi sẽ cố gắng phân tích các kỹ thuật từ mọi khía cạnh của đối thủ, cả về kỹ thuật và con người. Những bài học của The Codebreakers có giá trị đến ngày nay, như khi Kahn lần đầu tiên biên soạn cuốn sách của mình cách đây hơn 50 năm.
Cuốn sách xuất bản đầu tiên của Kahn, The Codebreakers - The Story of Secret Writing đã được nhiều người coi là tài liệu xác thực về lịch sử mật mã. The Codebreakers ghi lại toàn diện lịch sử mật mã từ thời Ai Cập cổ đại cho đến thời điểm viết ra nó. Nó được nhiều người coi là báo cáo tốt nhất về lịch sử mật mã tại thời điểm xuất bản. Phần lớn việc biên tập, phiên dịch tiếng Đức và đóng góp nội bộ là của nhà mật mã học thời Thế chiến II người Mỹ Bradford Hardie III. William Crowell, cựu Phó Giám đốc Cơ quan an ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã chia sẻ trên Newsday rằng: “Trước khi Kahn xuất hiện, điều tốt nhất bạn có thể làm chỉ là mua một cuốn sách bình thường với nội dung quá nhiều kỹ thuật khó hiểu và buồn tẻ”.
Bìa cuốn sách The Codebreakers xuất bản năm 1967 (trái) và năm 1996 (phải)
Cuốn sách bao gồm thông tin về Cơ quan an ninh Quốc gia. Theo tác giả James Bamford viết vào năm 1982, cơ quan này đã cố gắng ngừng xuất bản và xem xét việc công bố một đánh giá tiêu cực về công việc của Kahn trên báo chí để làm mất uy tín của ông. Một ủy ban của Hội đồng tình báo Hoa Kỳ (United States Intelligence Board) kết luận rằng, cuốn sách là sự hỗ trợ có giá trị cho các cơ quan an ninh thông tin nước ngoài và khuyến nghị các hành động không phô trương nhưng không mang tính pháp lý để ngăn cản ông Kahn hoặc các nhà xuất bản tiềm năng của ông ấy. Nhà xuất bản của Kahn, công ty Macmillan, đã giao bản thảo cho Chính phủ liên bang để xem xét mà không có sự cho phép của Kahn vào ngày 4/3/1966. Kahn và Macmillan cuối cùng đã đồng ý xóa một số tài liệu khỏi bản thảo, đặc biệt liên quan đến mối quan hệ giữa NSA và đối tác Anh vì ông cảm thấy bị áp lực bởi cộng đồng tình báo.
Vì vậy. mãi đến tháng 9/1967, The Codebreakers mới được xuất bản. Tại thời điểm đó, cuốn sách đã trở thành lựa chọn thay thế của Câu lạc bộ Sách của tháng và lựa chọn chính của Câu lạc bộ Sách lịch sử. The Codebreakers đã lọt vào vòng Chung kết cho Giải thưởng Pulitzer dành cho thể loại không giả tưởng năm 1968. Cuốn sách này đã được in liên tục, với các bản dịch được xuất bản toàn bộ hoặc một phần bằng tiếng Pháp, Ý, Ba Lan, Serbo-Croatia và Ả Rập.
Một ấn bản cập nhật của The Codebreakers vào năm 1996 với nội dung được bổ sung một chương bao gồm các sự kiện kể từ lần xuất bản ban đầu.
Sự nghiệp của David Kahn
Kể từ khi xuất bản The Codebreakers, David Kahn đã tiếp tục đóng góp những thành tựu cho lĩnh vực này. Ông quyết định điều tra tình báo quân sự của Đức trong Thế chiến thứ hai. Vì lý do này, ông đã đến Militärarchiv để học tiếng Đức và trong một năm nghiên cứu, ông đã phỏng vấn hơn 100 chuyên gia tình báo ở Đức. Sau khi viết văn ở New York vài năm, David Kahn trở thành thành viên cộng sự cao cấp của St. Antony’s College thuộc Đại học Oxford, nơi ông sử dụng nghiên cứu của mình để viết luận án. Ông đã được trao bằng Tiến sỹ (tước hiệu Oxonian) vào năm 1974 về lịch sử hiện đại của Đức dưới sự hướng dẫn của giáo sư Hugh Trevor-Roper. Cuốn Hitler’s Spies đã được xuất bản năm 1978.
Năm 1977, ông là biên tập viên sáng lập của Tạp chí Cryptologia. Năm 1982 ông là thành viên ban đầu của Ủy ban mà sau này trở thành Hiệp hội Quốc tế về nghiên cứu mật mã (International Association for Cryptologic Research - IACR) mà vào năm 2021 có tới 2.902 thành viên trên toàn thế giới [4. Hiệp hội này tồn tại để thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực mật mã và các lĩnh vực liên quan.
Sau khi giảng dạy báo chí một vài năm tại Đại học New York, ông trở lại Newsday với tư cách là một biên tập viên. Trong thời gian ở đó, ông nghiên cứu và viết Seizing the Enigma (1991), câu chuyện về cách Hải quân Hoàng gia thu thập tài liệu từ các tàu quan sát thời tiết của Đức để cho phép những người phá mã của Anh có thể đọc được những thông tin đã được chặn của Kriegsmarine Enigma và giúp giành chiến thắng trong Trận chiến Đại Tây Dương.
Bất chấp những khác biệt trong quá khứ giữa Kahn và NSA, năm 1995, ông đã được chọn để trở thành học giả nội trú tại NSA - cơ quan đã tìm cách ngăn cản việc xuất bản The Codebreakers 30 năm trước đó. Cơ quan này đã yêu cầu ông viết tiểu sử về người sáng lập ngành mật mã Mỹ, Herbert O. Yardley. Mặc dù các tài liệu về Yardley đã giải mật, nhưng những giấy tờ kỹ thuật và hành chính này lại không đủ để làm tiểu sử. Vì vậy, ông đã đến thăm quê nhà của Yardley ở Indiana và Los Angeles để tìm những tài liệu sẽ kể câu chuyện con người phá mã đầu tiên của Mỹ. Kết quả ra đời The Reader of Gentlemen’s Mail - một tựa sách phỏng theo câu nói nổi tiếng của Ngoại trưởng Henry L. Stimson về lý do ông đóng cửa cơ quan phá mã của Yardley vào năm 1929: “Quý ông không đọc thư của nhau”.
Tiến sĩ David Kahn với một tấm bảng từ Quỹ Bảo tàng Mật mã Quốc gia để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của ông vào năm 2010
Ông tiếp tục công việc của mình như một phóng viên và biên tập viên cho Newsday cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1998 và là Giáo sư báo chí tại Đại học New York.
Ông tiếp tục viết các bài báo về tình báo chính trị và quân sự. Ông nằm trong Hội đồng quản trị của Thư viện Great Neck, Hiệp hội Nghiên cứu Thế chiến II, Quỹ Bảo tàng Mật mã Quốc gia, Hiệp hội Lịch sử Tình báo Quốc tế và trong ban cố vấn của Bảo tàng Gián điệp Quốc tế. Ông là đồng biên tập viên sáng lập của Tạp chí học thuật Cryptologia hàng quý và là thành viên của ban biên tập báo Tình báo và An ninh Quốc gia, Tạp chí Quốc tế về Tình báo và Phản gián và Tạp chí Lịch sử Tình báo. Ông là thành viên của Hiệp hội Mật mã Hoa Kỳ, Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Mật mã (cựu thành viên hội đồng quản trị và cựu thành viên ban biên tập Tạp chí Mật mã học) và Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ. David Kahn gần đây đã tặng phần lớn bộ sưu tập sách, bản in, ghi chú phỏng vấn và các tạp chí liên quan đến mật mã, mật mã và thông tin tình báo cho Quỹ Bảo tàng Mật mã Quốc gia tại Fort Meade, Maryland.
Vào ngày 26/10/2010, ông đã tham dự một buổi lễ tại Bảo tàng Mật mã Quốc gia (National Cryptologic Museum - NCM) của NSA để tưởng nhớ về việc tặng bộ sưu tập sách mật mã, kỷ vật và hiện vật suốt đời của mình cho bảo tàng và thư viện của nó. Bộ sưu tập được lưu giữ tại thư viện NCM và không được lưu hành.
David Kahn là một nhà sử học về tình báo, đặc biệt là về phá mã. Ngoài các cuốn sách của mình, ông đã viết các bài báo học thuật và phổ biến về chủ đề mã hóa, mã mật và mật mã trên các ấn phẩm từ The New York Times đến Playboy, từ Journal of Strategic Studies đến Encyclopedia Americana. Ông thuyết trình rộng rãi về tình báo chính trị và quân sự, xuất hiện trên truyền hình, đài phát thanh và trong các câu chuyện thời sự để cung cấp nền tảng lịch sử của các sự kiện hiện tại trong lĩnh vực mã hóa, mã mật và thám mã. Ông đã giảng dạy các khóa học về tình báo chính trị và quân sự hiện đại tại Đại học Yale và Đại học Columbia và đã điều trần trước Quốc hội về các vấn đề chính sách liên quan đến mật mã.
Cuốn sách The New Codebeakers
Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới mật mã phong phú. Sự ổn định ngày càng tăng của thế giới dựa trên thông tin của con người phụ thuộc vào việc liên lạc đáng tin cậy, xác thực giữa tất cả các thành phần của xã hội liên kết lại với nhau. Cuộc sống của con người hiện đang phát triển thông qua các giao dịch kỹ thuật số, có thể là email, quản lý tài chính, xuất bản trên mạng xã hội, an ninh gia đình (home security), thể dục và chăm sóc sức khỏe cá nhân hoặc giải trí video, con người đã dựa vào các cơ chế mật mã phức tạp mà hoạt động âm thầm ở mức nền để giữ cho dữ liệu cá nhân được an toàn.
Mật mã cung cấp các kỹ thuật để giữ bí mật thông tin, bảo toàn tính toàn vẹn và xác thực nguồn, nhưng rất ít người dùng biết mức độ mà họ phụ thuộc vào mật mã và thậm chí ít người đã từng xem xét nghiên cứu mật mã.
Ngày nay, mật mã đã xâm nhập vào cuộc sống của chúng ta và hầu hết mọi người đều không nhận thức được đầy đủ vai trò quan trọng của nó. Mật mã và đặc biệt là “mật mã hiện đại”, là một trong những nền tảng của xã hội thông tin. Do đó, thật khó để tưởng tượng rằng chỉ một vài thập kỷ trước, mật mã là bảo bối duy nhất của các chính phủ, gián điệp, nhà ngoại giao và quân đội. Vào những năm 1960, khi David Kahn hình thành ý tưởng viết ra lịch sử “của cách viết bí mật”, dường như không có nghiên cứu nào được thực hiện trong thế giới học thuật “mở” và không có trường đại học nào cung cấp các khóa học về mật mã. Tất nhiên, trong các cơ quan tình báo của thế giới như NSA, GCHQ, KGB,… vẫn tiếp tục diễn ra trong bí mật các công việc tạo ra và phá vỡ các bản mã.
Vì vậy, ý tưởng của Kahn để viết một lịch sử chuyên ngành về chủ đề này là táo bạo và đầy tham vọng. Thật khó để đánh giá tác động của cuốn sách, nhưng rõ ràng, nhiều người sau đó có đóng góp vào sự phát triển của mật mã hiện đại đều có sự kích thích khi đọc The Codebreakers. Cuốn sách của ông đáng chú ý ở chỗ có sự pha trộn giữa chi tiết kỹ thuật xen lẫn với những câu chuyện về sự táo bạo và phiêu lưu. Đó là một sự uyên bác tuyệt vời, được nghiên cứu tỉ mỉ nhưng không hề khô khan, một đặc tính thường đi kèm với uyên bác.
Năm 2010, David Kahn bước sang tuổi 80 và một số người đã quyết định tổ chức Lễ hội tại Luxembourg để tôn vinh sự kiện này. Đó là một sự kiện hấp dẫn với sự đóng góp của nhiều diễn giả có nguồn gốc từ học thuật, thương mại và chính phủ. Ông đã kết thúc sự kiện bằng một bài nói chuyện có tựa đề “Cuộc sống của tôi trong lĩnh vực mật mã - My life in cryptology”. Có thể nói, David Kahn không chỉ ghi lại lịch sử mật mã mà còn để lại được dấu ấn của riêng mình vào năm 1967. Sự kiện đã diễn ra rất thành công và thú vị, với các cuộc nói chuyện của nhiều nhà mật mã và chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới. Một số cuộc nói chuyện đã dẫn đến các chương trong cuốn sách Festschrift trong giới học thuật.
Kể từ khi The Codebreakers được xuất bản, thế giới đã thay đổi đáng kể. Sự kiện phá vỡ German Enigma đã báo trước thời đại của máy tính, chứng kiến sự ra đời của mật mã khóa công khai, cho phép Internet trở thành phương tiện xã hội và tương tác thương mại như ngày nay. Mật mã và đảm bảo thông tin hiện đang hình thành các ngành học chính với hàng nghìn nhà nghiên cứu và sự gia tăng của các hội nghị và khóa học. Khám phá vào những năm 1970 về mật mã khóa công khai đã cách mạng hóa chủ đề này và đưa nó ra khỏi bóng tối. Nhận thức rằng khả năng mã hóa không nhất thiết phải đòi hỏi khả năng giải mã làm đảo lộn các giả định (ngầm) đã thống trị trong nhiều thế kỷ. Cái nhìn sâu sắc này có thể so sánh được về tác động của nó đối với mật mã như Thuyết tương đối của Einstein, với nhận thức rằng không gian không phải là tuyệt đối về mặt vật lý học.
Cuốn sách do nhà xuất bản Springer phát hành vào tháng 3/2016
Những người biên tập (Peter Y.A. Ryan, David Naccache và Jean-Jacques Quisquater) đã đặt tên cuốn sách là The New Codebreakers để bày tỏ lòng kính trọng đối với đóng góp mang tính đột phá của Kahn và đưa câu chuyện tiến lên kỷ nguyên mới. Cuốn sách do nhà xuất bản Springer phát hành vào tháng 3/2016, đó là tập thứ 9100 của Lecture Notes of Computer Science. Cuốn sách tập hợp 33 Chương từ các thành viên xuất sắc của cộng đồng mật mã, bảo mật và lịch sử của cộng đồng tình báo. Các chương bao gồm một loạt các lĩnh vực từ mật mã lý thuyết đến các ứng dụng bảo mật và từ lịch sử của trí thông minh đến các ứng dụng giải trí.
Tài liệu tham khảo 1. https://web.archive.org/web/20100131203036/http://david-kahn.com/david-kahn-biography.htm 2. https://en.wikipedia.org/wiki/David_Kahn_(writer) 3. Peter Y.A. Ryan, David Naccache và Jean-Jacques Quisquater, The New Codebreakers, Springer, 3/2016, LNCS 9100. 4. https://secure.iacr.org/membership/statistics/membership-multi-year.php |
TS. Trần Duy Lai
09:00 | 19/02/2019
14:00 | 16/07/2020
11:00 | 22/05/2020
08:00 | 22/02/2021
14:00 | 11/09/2024
Ngày nay, các cuộc tấn công mạng ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi hơn, các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng truyền thống đòi hỏi duy trì một lượng lớn dữ liệu về các dấu hiệu xâm nhập, các quy tắc và phải cập nhật thường xuyên khi có bất kỳ hình thức hoặc kỹ thuật tấn công mới nào xuất hiện. Tính tự động hóa trong việc này vẫn còn nhiều hạn chế. Trong bài báo này, nhóm tác giả sẽ trình bày một giải pháp sử dụng ưu điểm vượt trội của công nghệ học máy để dự đoán các truy cập bất thường cụ thể là các cuộc tấn công Dos/DDos, PortScan, Web Attack, Brute Force… từ đó đưa ra các cảnh báo kịp thời và chính xác.
16:00 | 04/07/2024
Nhằm công bố rộng rãi và công khai thuật toán mật mã MKV của Việt Nam - dùng trong lĩnh vực dân sự, vừa qua, đoàn công tác của Viện Khoa học - Công nghệ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ, đã tham dự và trình bày báo cáo tại Hội nghị xu hướng mật mã CTCrypt được tổ chức tại Liên Bang Nga từ ngày 03-06/6/2024.
14:00 | 25/03/2024
Bài báo giới thiệu một phương pháp dựa trên đặc tính hỗn loạn của ánh xạ 2D MCCM và 2D logistic để thiết kế hộp S (S-box) động phụ thuộc khóa. Đánh giá một số tính chất mật mã của một số hộp thế được tạo ra.
09:00 | 08/03/2024
Chiều 07/3, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức Hội thảo xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho thuật toán mã khối ViEncrypt trong lĩnh vực mật mã dân sự. Đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các hệ Cơ yếu, các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, các chuyên gia, nguyên cán bộ cấp cao của Viện Khoa học Công nghệ mật mã, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin..., Ban Cơ yếu Chính phủ.