Ngày 30/3/2016 tại Hà Nội, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2016 được tổ chức với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử: Hạ tầng hiện đại, dịch vụ công thông minh, tăng cường minh bạch và gắn kết công dân”. Sự kiện do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức dưới sự chủ trì của Ủy ban Nhân dân Tp. Hà Nội.
Đồng chí Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Đăng Đào, đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị của các Bộ, ban, ngành, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT một số tỉnh, thành phố….
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của bộ máy nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết cho sự phát triển của Chính phủ điện tử trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên lộ trình ứng dụng CNTT trong phát triển Chính phủ tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: hạ tầng CNTT hạn chế khiến việc ứng dụng CNTT còn chậm, dịch vụ công còn chưa thực sự hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Theo khảo sát của Liên minh Viễn thông Quốc tế, năm 2015 chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam xếp thứ 102/167, tụt 8 bậc so với năm 2014.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử có 3 nhiệm vụ quan trọng: thứ nhất là phải liên thông được toàn bộ các hệ thống văn bản điện tử trên cả nước (từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố, từ trung ương đến địa phương và ngược lại), đảm bảo thông suốt từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên; Thứ hai là phải triển khai các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung, tích hợp những dịch vụ công trực tuyến mà mình cung cấp lên một Cổng quốc gia duy nhất. Tại đây, người dân có thể tra cứu thông tin cũng như tiến hành các dịch vụ công đó; Thứ ba là xây dựng, hoàn thiện các cơ chế và nguồn ngân sách, kinh phí phục vụ Chính phủ điện tử, đây là nhiệm vụ quan trọng, nếu thiếu nhiệm vụ này thì hai nhiệm vụ trước đó rất khó để thực hiện. Tuy vậy, ông Lê Mạnh Hà đã thẳng thắn thừa nhận rằng đây là cơ chế rất khó khăn và nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là phải tăng cường được nguồn lực (kinh phí, ngân sách) để thực hiện.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã bày tỏ hy vọng thời gian tới tốc độ triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam sẽ được cải thiện, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP vào ngày 14/10/2015 về chính phủ điện tử, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, phục vụ người dân cũng như doanh nghiệp tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế hội nhập.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Một trong những mấu chốt cho sự phát triển ứng dụng CNTT trong chính phủ điện tử là xây dựng hạ tầng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin. Đây là hai yếu tố mang ý nghĩa sống còn trong lộ trình ứng dụng CNTT, khi mà tình hình mất ATTT trong những năm gần đây diễn ra phức tạp với những hình thức tấn công xâm nhập gia tăng, mức độ ngày một nghiêm trọng hơn. Theo đó, chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đề ra, an toàn thông tin được coi là một trong năm trụ cột lớn cho sự phát triển CNTT, được xem xét trên mọi góc độ nhằm xây dựng chính phủ điện tử hiệu quả và hoàn thiện hơn.
Cùng với phát triển Chính phủ điện tử thì xây dựng thành phố thông minh cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm đã và đang được triển khai. Trong khi đô thị hóa toàn cầu đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng thì việc ứng dụng CNTT trong xây dựng thành phố thông minh được coi như giải pháp tối ưu để giải quyết việc quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội, điển hình như những thách thức về giao thông và y tế.
Thực tế cho thấy hạ tầng giao thông tại Việt Nam tuy được chú trọng đầu tư, nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức đưa ra “Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số” với kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán giao thông phức tạp hiện nay. Song song với giao thông, y tế cũng có những hoạt động đáng chú ý khi kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2016-2020 được Bộ Y tế phê duyệt với 33 dự án triển khai vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng. Từ tháng 2/2016, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chính thức được triển khai với các cơ sở khám, chữa bệnh.
Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử năm 2016 tập trung thảo luận 3 nội dung chính, với 1 phiên báo cáo chính và 2 phiên chuyên đề.
Phiên báo cáo chính với chủ đề: “Phát triển Chính phủ điện tử: Hạ tầng hiện đại, tăng cường minh bạch và gắn kết công dân”, với những tham luận như: Thực trạng xây dựng chính phủ điện tử tại Hà Nội; Tổng quan triển khai Chính phủ số và định hướng phát triển trong giai đoạn 2016-2020; Nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử thông qua nền tảng xã hội, di động, phân tích và đám mây; Bài học thực tiễn về xây dựng thành phố thông minh; Phát triển thành phố thông minh thông qua Internet kết nối vạn vật (IoTs); Phát triển chính phủ điện tử trên nền tảng di động.
Tại 2 phiên báo cáo chuyên đề, các đại biểu thảo luận hai chủ đề: Phát triển Hạ tầng thông minh và Bảo mật dữ liệu trong khối Chính phủ; Xây dựng Thành phố thông minh, phát triển Y tế điện tử và Giao thông thông minh. Các tham luận chuyên sâu được trình bày tại Hội thảo đã đánh giá khái quát về thực trạng và những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử, đồng thời đưa ra những đề xuất, sáng kiến ứng dụng công nghệ. Một số tham luận chính như: Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ với nhu cầu phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh; Nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ thông qua ứng dụng CNTT; Định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong cải thiện hiệu suất ngành Y tế; Thực trạng triển khai và phát triển hệ thống giao thông thông minh tại Hà Nội; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật thành phố thông minh: Giải pháp và phương thức tiếp cận…
Trong khuôn khổ Hội thảo, triển lãm công nghệ về Chính phủ điện tử đã giới thiệu các giải pháp công nghệ hiện đại, tối ưu: Hạ tầng truyền thông; Trung tâm cơ sở dữ liệu; Dữ liệu lớn; Điện toán đám mây; Các sản phẩm giám sát và quản lý giao thông, y tế….