Thành phố Đà Nẵng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, điểm cuối của hành lang kinh tế Đông - Tây, đô thị lớn của quốc gia, đầu tàu kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là địa phương có nhiều cơ quan Trung ương, cơ quan đại diện ngoại giao đóng trên địa bàn. Hằng năm, có nhiều sự kiện mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế được tổ chức, trở thành mục tiêu của các đối tượng thù địch nhằm phá hoại, gây mất an toàn, an ninh thông tin, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường, tác động lớn đến các mặt công tác của toàn thành phố. Điều đó đặt ra những thách thức và yêu cầu cao, đòi hỏi lực lượng cơ yếu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và hoạt động của lực lượng vũ trang, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã đề ra.
Đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị có sử dụng cơ yếu thực hiện nghiêm công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đặc biệt luôn quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 (Nghị quyết số 56-NQ/TW), Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/8/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW (Nghị quyết số 27/NQ-CP) tại địa phương. Các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị toàn thành phố đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động đối với nhiệm vụ cơ yếu, bảo vệ bí mật nhà nước, đảm bảo an toàn thông tin.
Lực lượng cơ yếu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn phát huy tính sáng tạo, có trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác bảo mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp được bí mật, an toàn, nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống. Tham mưu triển khai sản phẩm mật mã để xác thực bảo mật thông tin: Bảo mật phần mềm tổ chức đảng, kiểm tra đảng, mạng thông tin diện rộng của Đảng, Hội nghị truyền hình trực tuyến, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.... Đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu trung thành, có phẩm chất đạo đức tốt, lịch sử chính trị gia đình và bản thân trong sạch, rõ ràng, chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật, quy định công tác cơ yếu, có trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy đặc biệt quan tâm đến chế độ, chính sách đặc thù đối với người làm công tác cơ yếu… Đã chỉ đạo công tác tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ; bộ máy biên chế ngày càng tinh gọn, việc kiêm nhiệm đã được thực hiện ở một số vị trí công tác, trong đó có vị trí công tác cơ yếu và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, với yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn nhân sự làm công tác hoặc cử đi đào tạo cơ yếu cũng gặp không ít khó khăn do nguồn cán bộ của địa phương chưa đầy đủ, nhất là đối với cấp huyện.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị có sử dụng cơ yếu trên địa bàn Thành phố đều triển khai, sử dụng song song hai loại hình kỹ thuật mật mã (hệ thống máy mã hiện đại và kỹ thuật truyền thống), đã đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, chính xác với khối lượng điện mật lớn vừa bảo đảm nguyên tắc độc lập giữa các mạng liên lạc. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Ban Cơ yếu Chính phủ và các hệ Cơ yếu, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên được trang bị máy tính an toàn đa giao diện, bước đầu triển khai tại trụ sở Thành ủy, cơ bản đáp ứng nhu cầu soạn thảo, lưu trữ, gửi nhận thông tin “Mật” trên mạng thông tin diện rộng của Thành ủy. Các sản phẩm mật mã sau khi triển khai hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin và bảo vệ bí mật nhà nước của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, đã triển khai cấp phát hơn 2.000 chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, thành phố đã tích hợp dịch vụ chữ ký số và xác thực chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản và hiều hành, phần mềm Một cửa điện tử để ký số văn bản điện tử, hồ sơ công việc, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Việc triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan đảng, chính quyền thành phố đã mang lại hiệu quả, hỗ trợ quá trình cải cách, đơn giản hóa, thay thế thành phần hồ sơ thủ tục hành chính, tiết kiệm, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đảm bảo độ tin cậy, tính chính xác, toàn vẹn khi phát hành văn bản điện tử, tiết kiệm chi phí so với việc phát hành, gửi nhận văn bản giấy…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn bộc lộ một số hạn chế, cụ thể là: Công tác luân chuyển và thay đổi cán bộ lãnh đạo thường xuyên khiến việc nắm bắt, đánh giá về vai trò hoạt động của công tác cơ yếu còn gặp khó khăn; Công tác triển khai, bảo đảm sản phẩm mật mã còn chậm, chất lượng thiết bị chưa cao, chưa theo kịp với bước tiến công nghệ thông tin; Các tổ chức cơ yếu trên địa bàn thành phố hoạt động độc lập chưa có sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ cơ yếu.
Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: Xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước… Song song với đó, Thành phố đặt mục tiêu Chuyển đổi số “Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số”; tuy nhiên, nếu không có chiến lược và phương án bảo vệ dữ liệu phù hợp sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin và gây thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức. Do vậy, việc chuẩn bị nguồn lực, kỹ thuật và con người bảo đảm an toàn thông tin và sẵn sàng ứng phó với sự cố thông tin là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu số, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã phân tích kỹ lưỡng để đưa ra các mục tiêu, giải pháp, bảo đảm tính khả thi, tạo được sự đột phá trong công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin, bám sát Nghị quyết số 56-NQ/TW và Nghị quyết số 27/NQ-CP, như sau:
Trước tiên, tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản, quy định, hướng dẫn có liên quan đến lĩnh vực cơ yếu. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên trách chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW và Nghị quyết số 27/NQ-CP. Đồng thời, quán triệt nâng cao nhận thức đối với các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của công tác cơ yếu trong việc đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.
Thứ hai, kiện toàn các tổ chức cơ yếu và đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác cơ yếu theo quy định. Chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ gắn với kiến thức công nghệ thông tin, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực làm công tác cơ yếu chất lượng cao để đáp ứng nhiệm yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, căn cứ hướng dẫn của cơ quan Trung ương, Trường Chính trị thành phố sớm đưa nội dung quản lý nhà nước về công tác cơ yếu vào chương trình giảng dạy bồi dưỡng lý luận chính trị.
Thứ ba, các cơ quan, đơn vị có sử dụng cơ yếu thực hiện nghiêm công tác quản lý nghiệp vụ kỹ thuật mật mã, quản lý các hệ thống máy mã và sản phẩm mật mã theo quy định của ngành Cơ yếu, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bí mật, sẵn sàng phục vụ việc chuyển thông tin bí mật nhà nước của lãnh đạo các cấp được kịp thời, chính xác trong mọi tình huống; đồng thời, đề xuất, tham mưu nhu cầu triển khai các giải pháp bảo mật, sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước trong hệ thống thông tin trọng yếu của thành phố.
Thứ tư, trên cơ sở chủ trương của Trung ương, Văn phòng Thành ủy phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động tham mưu chuẩn bị điều kiện, nhân lực để tiếp nhận, quản lý, sử dụng Đài Điện báo phục vụ việc truyền tải thông tin giữa các cơ quan Trung ương và các cơ quan đảng, chính quyền thành phố. Tiếp tục phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu sẽ càng nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, đổi mới tư duy, sáng tạo trong các mặt công tác, thường xuyên nâng cao trình độ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác cơ yếu và những nội dung liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin; sẵn sàng tiếp thu có hiệu quả những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật mật mã và công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại thời kỳ mới; xây dựng và phát triển lực lượng cơ yếu thành phố vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.
Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng
16:00 | 04/08/2024
11:00 | 19/06/2024
13:00 | 09/10/2023
20:00 | 09/06/2024
17:00 | 03/10/2023
14:00 | 17/06/2024
09:00 | 16/06/2024
13:00 | 22/10/2024
Hội đồng Liên minh Châu Âu đã chính thức thông qua Luật về khả năng phục hồi mạng (Cyber Resilience Act - CRA) vào ngày 10/10/2024, trong đó sẽ đưa ra các yêu cầu về an ninh mạng trên toàn EU đối với các sản phẩm có thành phần kỹ thuật số.
09:00 | 01/10/2024
Nhân dịp tham dự các hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khoá 79 và làm việc tại Hoa Kỳ, chiều 22/9 (theo giờ địa phương), tại New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dự buổi tọa đàm với chủ đề Tăng cường hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
09:00 | 11/09/2024
Cơ quan lập pháp bang California của Mỹ vừa thông qua một dự luật mang tính bước ngoặt nhằm quản lý các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được xem là một động thái quan trọng trong việc thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn cho sự phát triển và ứng dụng AI, đồng thời giải quyết những lo ngại về an toàn và đạo đức liên quan đến công nghệ này.
13:00 | 13/08/2024
Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 33/CĐ-TTg ngày 07/4/2024 về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng. Trong đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường bảo đảm ATTT mạng theo chức năng, nhiệm vụ được giao và trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ATTT mạng.