Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của các công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, công nghệ chuỗi khối,… và Internet tốc độ cao đã tạo ra một không gian chiến lược mới đó là “không gian mạng”. Mỗi quốc gia có cách định nghĩa riêng về không gian mạng nhưng tất cả đều có chung quan điểm không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Với những đặc tính đó không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành của xã hội, có ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xã hội, đem lại nhiều cơ hội mới để các quốc gia xây dựng và phát triển.
Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền tối cao, tuyệt đối, đầy đủ và riêng biệt của quốc gia đối với các vùng dữ liệu, thông tin trên không gian mạng do Nhà nước quản lý, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bằng hệ thống chính sách, pháp luật và các công nghệ phù hợp với luật pháp quốc tế. Là một bộ phận quan trọng không thể tách rời với chủ quyền quốc gia (như đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời), do vậy các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức có chủ quyền quốc gia riêng trên không gian mạng.
Hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, nước ta đã đưa ra định nghĩa của khái niệm này thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đây là cơ sở để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, cụ thể: Nghị định 142/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là tất cả quyền của nhà nước đối với không gian mạng, phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế. Từ đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là việc áp dụng những biện pháp, chính sách của quốc gia nhằm mục tiêu bảo vệ hệ thống thông tin, dữ liệu; bảo vệ các đối tượng, các tài nguyên mạng, quy tắc xử lý, ứng xử trên không gian mạng; bảo đảm quyền bình đẳng trong sử dụng mạng Internet; độc lập trong vận hành cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ quốc gia.
Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng an ninh, không gian mạng đã trở thành môi trường tiến hành tác chiến mạng, tác chiến thông tin. Có thể khẳng định bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Theo báo cáo của Global Overview đến đầu năm 2022, có khoảng 4,95 tỷ người sử dụng Internet đang hoạt động trên toàn thế giới tương đương với 63% dân số thế giới. Theo ước tính sẽ có 28,5 tỷ thiết bị sẽ kết nối với Internet vào năm 2022. Mỗi ngày đều có nhiều ứng dụng và dịch vụ mới ra đời. Các tiến bộ về khoa học công nghệ tiếp tục cách mạng hóa cuộc sống của con người theo hướng tiện ích, hiện đại hơn. Đặc biệt, thế giới đang đứng trước những thay đổi quan trọng trên không gian mạng, trong đó có sự tiến bộ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (data analytics), điện toán đám mây (cloud computing) và 5G, sự gia tăng các rủi ro vật lý mạng trong Internet vạn vật (IoT), sự phổ biến của kết nối kỹ thuật số sau đại dịch và gia tăng căng thẳng trên không gian mạng.
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội như tốc độ truyền tải thông tin cao, khả năng lưu trữ lớn cùng với nhiều công nghệ hiện đại không gian mạng cũng ẩn chứa những hiểm họa khôn lường về an toàn thông tin. Không gian mạng đã và đang là môi trường lý tưởng cho các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Hàng loạt cuộc tấn công xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, lấy cắp, phá hoại dữ liệu đã không được kiểm tra, đánh giá, quản lý rủi ro về an toàn thông tin, dẫn đến không kịp thời phát hiện được nguy cơ, lỗ hổng, mã độc bị cài vào trong hệ thống. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn, thách thức với tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, cụ thể là:
Thứ nhất, thiếu cơ sở pháp lý và các cơ chế hợp tác quốc tế trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống khác (mua bán người, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…), các thách thức về đảm bảo an ninh trên không gian mạng có tính xuyên quốc gia, đòi hỏi nỗ lực hợp tác quốc tế để giải quyết. Người dân ở khắp nơi trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đều mong muốn được bảo vệ an ninh, an sinh, an toàn để phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Các nước trên thế giới đều đã nhận thức nhất định về các rủi ro trên không gian mạng và sự cần thiết phải bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đồng thời, đã có những bước đi cụ thể để ứng phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với công nghệ thông tin và truyền thông nhưng đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất để có thể thiết lập các nguyên tắc pháp lý mang tính quốc tế đối với hoạt động này.
Ở cấp độ Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thành lập 02 nhóm chuyên trách là: Nhóm các chuyên gia của Chính phủ về thúc đẩy hành vi của Nhà nước có trách nhiệm trên không gian mạng trong bối cảnh an ninh quốc tế và Nhóm công tác mở về phát triển trong lĩnh vực thông tin và viễn thông quốc tế. Liên hợp quốc đang nỗ lực kết nối các quốc gia thành viên hoàn thiện các khung khổ pháp lý quốc tế để giải quyết hài hòa nguyên tắc chủ quyền quốc gia tối thượng theo luật pháp quốc tế và nhu cầu hợp tác xuyên biên giới để ứng phó với các thách thức an ninh trên không gian mạng. Tuy nhiên, thực tế, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Cho đến nay, chỉ có các thỏa thuận riêng lẻ giữa một số quốc gia liên quan đến bảo đảm an ninh mạng trong một số lĩnh vực mà chưa có các quy chuẩn mang tính quốc tế.
Thứ hai, nguồn lực về công nghệ, con người, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông của các quốc gia còn hạn chế.
Trong khi công nghệ càng ngày càng phát triển, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao có sự biến đổi với nhiều phương thức, thủ đoạn mới thì việc triển khai các hoạt động phòng, chống các đối tượng này luôn gặp phải những giới hạn về nguồn lực như cơ sở pháp lý, nguồn lực con người, nguồn lực công nghệ, hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông. Vì lẽ đó, một số quốc gia đã và đang thiết lập hệ thống phòng vệ trên không gian mạng riêng hướng tới mục tiêu bảo vệ an toàn mạng như mạng Internet riêng của Nga (Runet) hay Vạn lý tường lửa (Great Firewall) của Trung Quốc. Tuy nhiên, cách làm này làm mất đi giá trị của Cuộc cách mạng 4.0 là vạn vật kết nối, không có giới hạn về không gian và thời gian.
Thứ ba, khó khăn trong việc xác định ranh giới giữa hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng với hoạt động vi phạm quyền tự do cá nhân của người dùng trên không gian mạng.
Để đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng thì các cơ quan quản lý cần phải áp dụng nhiều biện pháp như: thiết lập và duy trì các chính sách làm sạch an ninh mạng; kiểm tra an ninh mạng; giám sát an ninh mạng; thu thập các dữ liệu điện tử phục vụ bảo vệ an ninh mạng; phong tỏa, đình chỉ hoạt động của hệ thống thông tin,… Tuy nhiên, điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho cơ quan chức năng là làm sao để xác định được đâu là hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bởi lẽ vẫn có những hoạt động đứng giữa ranh giới giữa việc bảo vệ an ninh quốc gia với xâm phạm quyền tự do cơ bản của người dân như vụ việc Edward Joseph Snowden tiết lộ chương trình do thám của Chính phủ Mỹ (thông qua NSA và CIA) theo dõi các cuộc điện thoại và dữ liệu Internet của người dân Mỹ.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, góp phần quan trọng bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; tạo hành lang pháp lý để nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh, trật tự và xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh trên không gian mạng. Việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động ngày càng sâu rộng trên toàn thế giới và việc đẩy mạnh chuyển đổi số, để giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng thời gian tới cần thực hiện một số nội dung và giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai việc xác lập và thực thi đầy đủ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của Việt Nam trên không gian mạng dựa trên các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng với trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 về Chiến lược an ninh mạng quốc gia, Luật an toàn thông tin mạng năm 2015, Luật an ninh mạng năm 2018. Đồng thời dựa trên cơ sở luật pháp quốc gia và tôn trọng pháp luật, cơ chế hợp tác quốc tế đặc biệt chú trọng tới các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp nếu có.
Hai là, hoàn thiện khung khổ luật pháp quốc gia, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với các quy định quốc tế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, sẵn sàng ứng phó với các thách thức an ninh mạng, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng và nhiệm vụ của các chủ thể đó trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Ba là, xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng từ đó tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực trong đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, đặc biệt là các lực lượng vũ trang để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Triển khai các biện pháp phòng vệ chủ động, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đáp trả các hoạt động tấn công, các mối đe dọa an ninh mạng, gián điệp mạng, bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Xây dựng lực lượng gìn giữ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Bốn là, tổ chức tuyên truyền, tập huấn, vận động, thuyết phục người sử dụng mạng tuân thủ pháp luật, văn hóa, đạo đức, quan hệ và ứng xử xã hội trên không gian mạng. Nâng cao nhận thức và năng lực tự bảo vệ của các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các hoạt động trên mạng.
Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước các dịch vụ trên không gian mạng, nâng cao sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội để triển khai các biện pháp phòng thủ, giám sát, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền không gian mạng của quốc gia.
Không gian mạng được coi như vùng “lãnh thổ đặc biệt” của quốc gia, chứa đựng lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một phần không thể tách rời của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Việc nhận diện, xác lập chủ quyền không gian mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam. Trước tình hình chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, công cuộc chuyển đổi số của quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ thì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Tài liệu tham khảo 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021. 2. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”. 3. Bộ Chính trị, 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 về “Chiến lược an ninh mạng quốc gia”. 4. Đại tướng, GS,TS. Tô Lâm, “Chủ quyền không gian mạng: Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia” |
ThS. Phạm Tiến Đạt, Học viện Cảnh sát nhân dân
14:00 | 10/12/2021
10:00 | 06/06/2023
09:00 | 13/10/2023
16:00 | 08/04/2022
08:00 | 13/12/2021
19:00 | 07/07/2023
17:00 | 08/12/2021
08:00 | 20/02/2018
15:00 | 27/06/2022
07:00 | 16/09/2024
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã thống kê và xử lý 4.029 sự cố tấn công mạng tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024. Những số liệu này phản ánh sự cấp thiết của việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, một yếu tố sống còn cho sự thành công và bền vững của quá trình chuyển đổi số tại các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc.
17:00 | 31/08/2024
Khi AI trở thành vũ khí của cả kẻ tấn công và chuyên gia an ninh mạng, cuộc chiến trên không gian mạng sẽ diễn ra như thế nào? Liệu chúng ta có thể kiểm soát được sức mạnh của AI hay không?
08:00 | 26/08/2024
Kể từ tháng 8/2023, các nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay tại Liên minh châu Âu.
13:00 | 13/08/2024
Với sự thông qua của Thượng viện Mỹ, dự luật bảo vệ trẻ em khỏi nội dung trực tuyến nguy hiểm đã chính thức trở thành hiện thực, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết vấn nạn nhức nhối về an toàn trực tuyến cho trẻ em. Dự luật này không chỉ đặt ra những quy định chặt chẽ hơn cho các nền tảng trực tuyến mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ Mỹ trong việc bảo vệ thế hệ tương lai.