Luật An toàn thông tin mạng, bộ luật quan trọng sẽ làm nền tảng cho việc triển khai các hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam, vừa được Chủ tịch nước chính thức công bố. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Sáng 18/12/2015, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật và 2 Nghị quyết được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 - 11/2015), trong đó có Luật An toàn thông tin mạng.
Buổi lễ có sự tham dự của ông Nguyễn Thành Hưng Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ.
Được Bộ TT&TT khởi động xây dựng từ năm 2011, sau gần 4 năm xây dựng và hoàn thiện, ngày 19/11 vừa qua, trong phiên họp toàn thể tại hội trường của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng với 424/425 đại biểu có mặt tán thành.
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016, Luật An toàn thông tin mạng gồm 8 Chương, 54 Điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Luật An toàn thông tin mạng được ban hành sẽ hướng đến giải quyết các yêu cầu về an toàn thông tin mạng quốc gia, qua đó: hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành và phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin mạng, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, Luật An toàn thông tin mạng cũng hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh công tác giám sát, phòng, chống nguy cơ mất an toàn thông tin mạng, đảm bảo hiệu quả công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; mở rộng hợp tác quốc tế về an toàn thông tin mạng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Ngay sau khi Luật được thông qua, Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật, dự kiến trong năm 2016.
Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ chủ trì, xây dựng và trình chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 văn bản gồm: Nghị định quy định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ; Nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, trong thẩm quyền của mình, thời gian tới, Bộ TT&TT cũng sẽ có các Thông tư hướng dẫn chi tiết một số quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, các Nghị định của Chính phủ và xây dựng, đề xuất ban hành hoặc ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thông tin mạng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật.
Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về hoạt động ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng. Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về mật mã dân sự.
Bộ Công an sẽ chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về ngăn chặn hoạt động sử dụng mạng để khủng bố.