Sức mạnh không gian mạng
Là một cấu phần của “sức mạnh quốc gia tổng hợp”, chỉ sức mạnh tổng hợp của một quốc gia có được trong môi trường không gian mạng. Ngày nay, các cường quốc công nghệ đều coi không gian mạng là “không gian phát triển” mới; quân đội các nước coi không gian mạng là “miền tác chiến” mới. Tháng 6/2020, Viện Nghiên cứu IISS (Anh) công bố báo cáo “Đánh giá năng lực mạng và sức mạnh quốc gia” [1], theo đó Hoa Kỳ đứng đầu và Trung Quốc là quốc gia có tiềm năng nhất vươn lên ngang hàng với Hoa Kỳ. Tháng 9/2022, Trung tâm Belfer (Hoa Kỳ) công bố báo cáo Chỉ số sức mạnh mạng quốc gia 2022 [2], theo đó các quốc gia đứng đầu gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Anh. Dù có những tranh luận nhưng các chuyên gia đều cho rằng Trung Quốc là quốc gia có tiềm năng nhất vươn lên trở thành cường quốc mạng toàn cầu, cạnh tranh với Hoa Kỳ trong tương lai.
Những thành tựu đạt được của Trung Quốc
Về hạ tầng mạng: Số người dùng Internet đạt 1,1 tỷ người; điện thoại di động kết nối đạt 1,683 tỷ; đã xây dựng 2,844 triệu trạm gốc 5G, chiếm 60% thế giới; công bố 18.000 họ bằng sáng chế tiêu chuẩn 5G, chiếm 40% thế giới; có 110 thành phố đạt tiêu chuẩn thành phố Gigabit; có hệ sinh thái IoT di động lớn nhất thế giới; số lượng người dùng Ipv6 đạt 730 triệu, đứng đầu thế giới.
Về hệ thống định vị toàn cầu: Tháng 7/2020, Trung Quốc hoàn thành xây dựng hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (hệ thống Bắc Đẩu), trở thành quốc gia/khu vực thứ tư sở hữu hệ thống này sau GPS (Hoa Kỳ), GLONASS (Nga) và GALILEO (Liên minh châu Âu).
Về hạ tầng điện toán: Từ năm 2017 đến cuối năm 2022, lượng dữ liệu tăng từ 2,3ZB lên 8,1ZB, chiếm hơn 10% toàn cầu. Tháng 02/2022, khởi công xây dựng 8 nút trung tâm điện toán quốc gia, đồng thời quy hoạch 10 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia; dự án “Dữ liệu phía Đông và tính toán phía Tây” được đẩy nhanh; quy mô rack dữ liệu tiêu chuẩn hơn 5,9 triệu giá rack; quy mô máy chủ đạt 20 triệu; quy mô sức mạnh tính toán vượt 150 Eflops.
Kinh tế số, xã hội số, chính phủ số: Năm 2022, quy mô nền kinh tế số đạt 50,2 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ), đứng thứ hai thế giới. Ứng dụng Internet công nghiệp bao phủ 45 lĩnh vực kinh tế; đã xây dựng hơn 150 nền tảng Internet công nghiệp có tầm ảnh hưởng. Quy mô ngành công nghiệp kỹ thuật số tăng trưởng nhanh; tỷ lệ tin học hóa sản xuất nông nghiệp đạt 25%; các dịch vụ y tế từ xa ở cấp tỉnh, thành phố đạt mức bao phủ toàn diện; mạng lưới chính phủ điện tử có phạm vi phủ sóng toàn bộ ở cấp tỉnh, thành phố và quận, 96% ở cấp thị trấn.
Hợp tác quốc tế về kỹ thuật số: Trung Quốc tích cực tham gia tham vấn về các vấn đề kỹ thuật số của Liên hợp quốc, WTO, Nhóm G20, APEC, nhóm BRICS, SCO và các cơ chế khác; thúc đẩy đạt được “Khuôn khổ đối tác kinh tế kỹ thuật số BRICS”, Sáng kiến hợp tác an ninh dữ liệu “Trung Quốc + 5 quốc gia Trung Á”, “Cộng đồng chung tương tai trong không gian mạng”,... [3].
Nghiên cứu và phát triển công nghệ mới: Theo báo cáo của ASPI (Úc) tháng 3/2023, Trung Quốc dẫn đầu về 37/44 công nghệ, cho thấy Trung Quốc đã xây dựng nền tảng tốt để định vị mình là siêu cường khoa học và công nghệ.
Kể từ Đại hội XVIII, Trung Quốc ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tin học hóa và an ninh mạng, trong đó trọng tâm là tư tưởng Tập Cận Bình về xây dựng cường quốc mạng, cụ thể: Tháng 02/2014, Tổng Bí thư Tập Cận Bình phát biểu: “Để xây dựng cường quốc mạng, Trung Quốc phải có công nghệ riêng; phải có dịch vụ thông tin phong phú và văn hóa mạng phát triển; cần có hạ tầng thông tin tốt đẹp và nền kinh tế số vững mạnh; cần có đội ngũ nhân tài chất lượng cao và tích cực hợp tác quốc tế”.
Tháng 10/2016, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ ra các lĩnh vực cần thúc đẩy để hướng tới mục tiêu cường quốc mạng gồm: Đổi mới độc lập công nghệ mạng; thúc đẩy phát triển kinh tế số; nâng cao trình độ quản lý mạng; nâng cao năng lực phòng thủ an ninh mạng; đẩy mạnh sử dụng công nghệ mạng trong quản trị xã hội; nâng cao uy tín quốc gia trong hoạch định quy tắc quốc tế về không gian mạng [4].
Tháng 4/2018, Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trong thế giới ngày nay, ai làm chủ Internet sẽ nắm được thế chủ động của thời đại”, đồng thời chỉ đạo làm rõ các nội hàm liên quan đến thực chiến lược cường quốc mạng.
Tháng 02/2023, Trung Quốc công bố “Kế hoạch tổng thể xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số”, xác định đến năm 2035, trình độ phát triển kỹ thuật số sẽ thuộc trong những nước đứng đầu thế giới [5].
Gần đây nhất vào tháng 7/2023, Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Tập Cận Bình định hướng phát triển cường quốc mạng Trung Quốc gồm: Đảng quản lý Internet; quản lý Internet đặc thù Trung Quốc; hài hòa giữa phát triển và an ninh mạng; phát huy năng lượng tích cực của Internet; xây dựng hàng rào an ninh mạng quốc gia; phát huy vai trò của thông tin; quản lý mạng theo pháp luật; xây dựng cộng đồng chung tương lai trên không gian mạng; xây dựng đội ngũ công tác an ninh mạng [6]. Cũng trong tháng 7/2023, Trung Quốc công bố sách “Giới thiệu những tư tưởng quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình về sức mạnh mạng”, cung cấp cơ sở lý luận để chính quyền và người dân xây dựng cường quốc mạng Trung Quốc.
Về cơ chế lãnh đạo: Năm 2014, để khắc phục tình trạng phân tán trong công tác chỉ đạo liên quan đến tin học hóa và an ninh mạng, Trung Quốc thành lập Tiểu tổ Lãnh đạo An ninh mạng và Thông tin hóa, do Tổng Bí thư Tập Cận Bình làm Tổ trưởng, đồng thời thành lập Văn phòng Tiểu tổ Lãnh đạo An ninh mạng và Thông tin hóa chỉ đạo các vấn đề chung về không gian mạng. Năm 2018, Tiểu tổ Lãnh đạo đổi tên thành Ủy ban An ninh mạng và Thông tin hóa Trung ương, qua đó tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất đối với các vấn đề không gian mạng. Tại các tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc) thành lập Ủy ban An ninh mạng và Thông tin hóa cấp tỉnh, đồng thời thành lập Văn phòng Ủy bản An ninh mạng và Thông tin hóa cấp tỉnh để chỉ đạo, quản lý các vấn đề không gian mạng [7].
Về mặt chính sách, chiến lược: Trung Quốc ban hành nhiều chính sách để định hướng thúc đẩy tin học hóa quốc gia, xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số và cường quốc mạng, điển hình như: “Kế hoạch Phát triển kinh tế số 5 năm lần thứ 14” (2021), “Kế hoạch Tin học hóa quốc gia 5 năm lần thứ 14” (2021), “Kế hoạch xây dựng chính phủ số” (2022), “Kế hoạch tổng thể xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số” (2023),... Các định hướng lớn bao gồm: Đến năm 2025, Trung Quốc kỹ thuật số đạt được bước phát triển quyết định, hạ tầng số được củng cố toàn diện, năng lực đổi mới công nghệ số được tăng cường, giá trị các phần tử dữ liệu được phát huy đầy đủ, nền kinh tế số phát triển chất lượng cao; Đến năm 2035, mức độ phát triển kỹ thuật số đi đầu thế giới, xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số đạt được những thành tựu to lớn [8].
Về phát triển công nghệ mạng: Trung Quốc cho rằng, nền tảng để xây dựng sức mạnh mạng chưa đủ vững chắc, còn khoảng cách nhất định so với trình độ tiên tiến thế giới trong lĩnh vực chip cao cấp, trí tuệ nhân tạo, hệ điều hành và phần mềm công nghiệp. Do đó Trung Quốc sẽ tập trung: Một là, đẩy nhanh chuyển đổi thông minh của hệ thống công nghiệp; tích cực sáng tạo phương thức sản xuất mới cho doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới chuỗi công nghiệp. Hai là, tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, thúc đẩy hợp tác trong công nghệ Internet; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển của các phòng thí nghiệm quốc gia, trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp hàng đầu; tăng cường nghiên cứu và phát triển ở các lĩnh vực trọng điểm. Ba là, tăng cường nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; mở rộng các kênh tài chính để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành tựu của các công nghệ cốt lõi trong lĩnh vực mạng. Bốn là, đẩy mạnh xây dựng hệ thống bảo mật cho hạ tầng thông tin quan trọng, nâng cao năng lực phòng thủ an ninh mạng quốc gia.
Quản lý mạng theo pháp luật, quy định, tiêu chuẩn: Đến nay, pháp luật về Internet của Trung Quốc ngày càng trở nên có hệ thống, toàn diện và kịp thời hơn. Trong 30 năm phát triển tin học hóa, Trung Quốc ban hành hơn 140 văn bản luật và quy định liên quan, là cơ sở quan trọng để phát triển cường quốc mạng. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã thiết lập một loạt các cơ chế để bảo vệ thông tin và dữ liệu như: Phân cấp bảo vệ hạ tầng thông tin theo cấp độ; bảo vệ an ninh cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng; biện pháp đánh giá an ninh mạng; hệ thống ứng phó khẩn cấp sự cố an ninh mạng. Đến nay, hơn 370 tiêu chuẩn an ninh mạng được ban hành.
Phát triển nguồn nhân lực: Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Tập Cận Bình chỉ ra rằng “Cạnh tranh trên không gian mạng rốt cuộc là cạnh tranh nhân tài”. Do đó, Trung Quốc tập trung vào: Một là, tăng cường đào tạo đội ngũ nhân tài chuyên nghiệp, đổi mới cơ chế tuyển chọn và sử dụng lao động, tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu. Hai là, đẩy nhanh việc xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn chính sách, gồm các nhà báo cấp cao, các chuyên gia trong lĩnh vực luật, quản lý khủng hoảng, dư luận, giáo dục,... Ba là, tăng cường đào tạo, bổ sung hệ thống chương trình giảng dạy, nghiên cứu về dư luận xã hội. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang phát triển mạnh các thinktank (trung tâm nghiên cứu và tư vấn chính sách) mang đặc sắc Trung Quốc nhằm thu thập và chuyển đổi kết quả nghiên cứu lĩnh vực an ninh mạng và tin học hóa, cung cấp khuyến nghị chính sách chuyên nghiệp hơn, có mục tiêu hơn.
Xây dựng nội dung: Một là, tăng cường hướng dẫn và công khai dư luận tích cực trên mạng, tập trung vào các vấn đề nóng được người dân quan tâm. Hai là, thúc đẩy công chúng sáng tạo trực tuyến, mở rộng các kênh giao lưu văn hóa trực tuyến. Ba là, tăng cường quản lý các nguồn thông tin trực tuyến, phát huy vai trò dẫn dắt dư luận của các phương tiện truyền thông chính thống, thanh lọc các nội dung sai lệch, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Bốn là, nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho người dân, phổ biến kiến thức về an ninh mạng, tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân, quyền riêng tư, hướng dẫn sử dụng lành mạnh các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số.
Thúc đẩy tác chiến không gian mạng: “Sách trắng Chiến lược quân sự” năm 2015 [9] và “Sách trắng Quốc phòng trong kỷ nguyên mới” năm 2019 [10] nhấn mạnh: Quân đội Trung Quốc cần đẩy nhanh xây dựng năng lực không gian mạng, phát triển phòng thủ an ninh mạng, xây dựng lực lượng không gian mạng tương xứng với vị thế quốc tế của Trung Quốc và tương thích với một cường quốc mạng”. Năm 2015, Trung Quốc thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF), tập trung nguồn lực không gian mạng của quân đội. Việc thành lập SSF không chỉ có ý nghĩa ở việc các vấn đề không gian mạng được báo cáo trực tiếp với Quân ủy Trung ương, mà nó còn kết hợp các nguồn lực mạng khác nhau thành một đơn vị tổng thể. SSF đảm nhận trách nhiệm từ tình báo mạng, tác chiến mạng cho đến chiến tranh thông tin.
Tăng cường diễn ngôn và hợp tác quốc tế: Trung Quốc sử dụng các phương tiện truyền thông để định hướng dư luận, truyền tải và quảng bá các giá trị, tăng cường hợp tác và trao đổi về không gian mạng, tập trung các vấn đề nóng, trọng tâm. Thúc đẩy sáng kiến “Xây dựng cộng đồng chung tương lai trong không gian mạng” là định hướng quan trọng để đạt được đồng thuận quốc tế của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác về cơ sở hạ tầng số, kinh tế số, văn hóa số, an ninh mạng và quản trị số; mở rộng các kênh trao đổi, chia sẻ văn hóa trực tuyến, thúc đẩy đối thoại, giao lưu giữa các nền văn minh.
Xây dựng quy tắc kỹ thuật số toàn cầu: Chủ động hợp tác lĩnh vực kỹ thuật số trong các khuôn khổ đa phương như Liên hợp quốc, WTO, G20, APEC, BRICS và SCO. Thuyết phục các nước tham gia xây dựng “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”; chủ động đề xuất các quy tắc quốc tế liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới và luồng dữ liệu xuyên quốc gia. Trong quản trị kỹ thuật số toàn cầu, Trung Quốc đề cao chủ nghĩa đa phương, ủng hộ vai trò của các tổ chức quốc tế, nhất là vai trò chủ đạo của Liên Hợp Quốc [11].
Sức mạnh mạng đã trở thành một lực lượng quan trọng ảnh hưởng đến cục diện toàn cầu; không gian mạng đã là nơi cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Việc Trung Quốc thúc đẩy xây dựng cường quốc mạng, sẽ gia tăng cạnh tranh quốc tế, nhất là về hạ tầng, công nghệ, tiêu chuẩn quản trị, nhân lực và năng lực diễn ngôn quốc tế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần đánh giá sâu sắc về tác động do cạnh tranh quốc tế trong không gian mạng trên từng khía cạnh; rà soát các chiến lược phát triển quốc gia trong từng lĩnh vực liên quan, kịp thời điều chỉnh định hướng trung và dài hạn để khai thác hiệu quả cơ hội do công nghệ kỹ thuật số mang lại, vừa bảo đảm vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. https://www.iiss.org/blogs/research-paper/2021/06/cyber-capabilities-national-power. [2]. https://www.belfercenter.org/publication/national-cyber-power-index-2022. [3]. https://cif.mofcom.gov.cn/cif/html/upload/ 20230524092441031_数字中国发展报告(2022 年.pdf [4]. https://cpc.people.com.cn/xuexi/n1/2016/1011/c385477-28767910.html. [5]. https://www.12371.cn/special/xxzd/hxnr/wlqg/. [6]. https://www.gov.cn/zhengce/2023-02/27/content_5743484.htm. [7]. http://www.rmlt.com.cn/2023/1220/690716.shtml. [8]. https://ictvietnam.vn/chien-luoc-phat-trien-quoc-gia-so-trung-trung-quoc-56778.html. [9]. https://www.gov.cn/zhengce/2015-05/26/content_2868988.htm. [10]. https://www.gov.cn/zhengce/2019-07/24/content_5414325.htm. [11]. https://www.qstheory.cn/qshyjx/2023-09/01/c_1129839300.htm. |
Nguyễn Văn Liệu (Bộ Công an)
09:00 | 01/04/2024
16:00 | 19/09/2024
16:00 | 30/01/2024
15:00 | 23/09/2024
14:00 | 05/09/2024
14:00 | 24/09/2024
17:00 | 01/03/2024
07:00 | 23/09/2024
Trải qua chặng đường gần 80 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Cơ yếu Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác cơ yếu đã luôn khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tuyệt đối bí mật, chính xác, kịp thời thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang trong mọi tình huống, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
16:00 | 07/09/2024
Tạp chí An toàn thông tin xin giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp Quốc khánh 2/9.
08:00 | 24/05/2024
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Với ưu thế công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua tỉnh Đồng Nai đã chủ động chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
16:00 | 18/05/2024
An ninh mạng và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được kết nối với nhau chặt chẽ hơn, trong đó AI đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường các biện pháp an ninh mạng. Sự tích hợp này không phải là mới nhưng nó đã phát triển theo thời gian khi những tiến bộ về khoa học công nghệ và các mối đe dọa mạng có tính chất tinh vi hơn.