Từ những năm 2000, Trung Quốc đã bước vào cuộc cạnh tranh quyền quản trị mạng toàn cầu với Mỹ và các đồng minh; cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn khi Mỹ quyết tâm trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc trong cuộc chiến về công nghệ. Trung Quốc được cho là đã tiến hành nhiều hoạt động mạng quy mô lớn ở ngoài nước với các mục đích khác nhau như gián điệp mạng, tác động chính trị, thử năng lực làm gián đoạn mạng khi có xung đột…
Quan tâm lớn nhất của Trung Quốc trên không gian mạng là vấn đề trong nước để ngăn chặn sự lan truyền tư duy tự do phương Tây. Từ năm 2003 trở đi, tại các diễn đàn Liên Hợp Quốc, Trung Quốc ủng hộ nguyên tắc “chủ quyền mạng”, theo đó các quốc gia có thể kiểm soát nhiều hơn đối với “chủ quyền” của họ trên Internet. Cũng vào năm 2003, Trung Quốc thực hiện “Dự án Lá chắn Vàng” (Golden Shield Project), một chương trình giám sát và kiểm duyệt trong nước trên Internet, được biết đến với tên gọi khác là Vạn lý Trường Thành trên mạng. Từ năm 2009, Trung Quốc đã chặn một số ứng dụng của Mỹ (như Facebook, Twitter và YouTube) vì xung đột với quan điểm kiểm duyệt của nước này.
Năm 2013, Trung Quốc bị bất ngờ trước những tiết lộ của Edward Snowden, thông tin rò rỉ cho thấy còn khoảng cách xa về năng lực mạng giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là sự yếu kém của hệ thống phòng thủ mạng Trung Quốc (do tập trung nhiều vào kiểm soát nội dung). Năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình phát động phong trào cải tổ liên quan đến Internet, ban hành các luật và quy định mới với mục đích đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc không gian mạng. Điều này bao gồm việc tổ chức lại và giao một cơ quan thống nhất phụ trách quản lý chung các vấn đề về không gian mạng là Văn phòng thông tin Internet quốc gia (Cyberspace Administration of China - CAC). Sau đó, nhiều chiến lược và kế hoạch liên quan thuộc lĩnh vực dân sự được ban hành. Chiến lược An ninh mạng quốc gia Trung Quốc công bố năm 2016 và được cụ thể hóa bởi Luật An ninh mạng Trung Quốc công bố năm 2017.
Về lĩnh vực công nghiệp, chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) công bố năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt. Xác định việc phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đối với công nghệ Internet cốt lõi là rủi ro mạng lớn nhất của Trung Quốc. Chiến lược đầy tham vọng này nhằm đảm bảo rằng 70% công nghệ lõi Internet sẽ được sản xuất trong nước vào năm 2025 và nước này sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ mạng vào năm 2030. Điều này được bổ sung bởi Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative - BRI), trong đó Dự án Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (Digital Silk Road - DSR) được thiết kế để mở ra thị trường các nước đang phát triển cho công nghệ Trung Quốc.
Đến năm 2020, nhiều biện pháp về chính sách bắt đầu có kết quả, bao gồm việc giảm tỷ lệ tội phạm mạng trong nước. Nhưng các vấn đề nghiêm trọng vẫn còn, bao gồm việc gia tăng các cuộc tấn công vào các website Trung Quốc. Việc triển khai chiến lược mạng có một số hạn chế nhất định, nổi bật là vấn đề đào tạo kỹ năng an ninh mạng chưa được ưu tiên.
Trở ngại bên ngoài đến từ việc Hoa Kỳ và đồng minh gia tăng các hoạt động kiềm chế tham vọng công nghiệp mạng của Trung Quốc, điển hình là với Huawei. Hiện vẫn chưa rõ động thái của Hoa Kỳ và đồng minh sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc như thế nào, có thể nó khiến Trung Quốc phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện chiến lược Made in China 2025 thông qua khai thác thị trường nội địa khổng lồ và đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ sang các nước đang phát triển thuộc BRI.
Một vấn đề quan trọng khác trong chiến lược không gian mạng của Trung Quốc là sử dụng các hoạt động mạng ở nước ngoài để mang lại hiệu quả chiến lược. Chúng bao gồm hoạt động gián điệp mạng quy mô lớn đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu cá nhân. Trung Quốc cũng tích cực sử dụng các hoạt động mạng nhằm gây rối, cẩn trọng thực hiện chúng ở dưới ngưỡng có thể gây ra phản ứng leo thang; ví dụ như hoạt động can thiệp bầu cử ở Đài Loan. Chiến lược và học thuyết của Trung Quốc về việc sử dụng năng lực mạng của quân đội bắt đầu từ những năm 2000, trọng tâm là năm 2004 với mục tiêu “Chiến thắng các cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hóa” là ví dụ. Chiến lược này cho thấy việc kết hợp công nghệ thông tin vào mọi khía cạnh của quân sự. Lĩnh vực thông tin gắn liền với các lĩnh vực trên bộ, trên không và trên biển. Đến năm 2005, lý luận quân sự của Trung Quốc cho rằng việc bảo vệ hoặc phá hủy các hệ thống thông tin là một “phương pháp chiến tranh” của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Trong học thuyết quân sự, Trung Quốc coi các hoạt động liên quan đến “mạng” là một phần của chiến tranh thông tin. PLA cho rằng trong cuộc Chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất (1990-1991), Mỹ đã đánh bại Iraq bằng cách phá hủy hệ thống thông tin chỉ huy và kiểm soát của đất nước này và đánh giá chiến thuật trên được ưu tiên trong việc tấn công phủ đầu. Chiến lược quân sự của Trung Quốc 2015 công nhận vị trí trung tâm của không gian mạng, trong đó tuyên bố rằng thông tin sẽ đóng vai trò hàng đầu trong bất kỳ cuộc xung đột nào chứ không chỉ đơn thuần là yếu tố kích hoạt.
Là một phần trong việc thực hiện khát vọng có “quân đội đẳng cấp thế giới” vào năm 2050, Trung Quốc đã đặt ra lộ trình cải cách đến năm 2035 để biến học thuyết thành hiện thực trong lĩnh vực không gian mạng. Giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược thống trị thông tin trong không gian mạng.
Từ năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp chỉ đạo các vấn đề liên quan đến không gian mạng, cả dân sự và quân sự. Những thay đổi về tổ chức của ông Tập đối với chính sách mạng cho thấy ông muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và đạt được một số thành công ban đầu trong việc giảm thiểu khả năng Trung Quốc bị tấn công xâm nhập.
Về mặt dân sự, CAC phụ trách triển khai tất cả các chính sách về không gian mạng, mặc dù vẫn có sự phối hợp của các cơ quan khác như Bộ Công an (MPS), Bộ An ninh quốc gia (MSS), Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin. CAC đã cụ thể hóa các kế hoạch hành động mới thông qua luật, đồng thời thiết lập văn phòng tại 31 cơ quan hành chính cấp tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc.
Trong lĩnh vực quân sự, vào năm 2015, ông Tập đã thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF), là nơi tập trung nguồn lực không gian mạng của PLA. Đây là một phần trong cải cách toàn diện của PLA. SSF là kết quả của việc tái cơ cấu các đơn vị hiện có từ lực lượng vũ trang, được hợp nhất thành đơn vị chuyên trách. Ngày nay, SSF bao gồm 2 phần chính: Phòng Hệ thống không gian (chịu trách nhiệm hoạt động không gian) và Phòng Hệ thống mạng (chịu trách nhiệm về các hoạt động thông tin chiến lược).
Việc thành lập SSF không chỉ có ý nghĩa ở việc nó được báo cáo trực tiếp với Quân ủy Trung ương về các vấn đề không gian mạng, mà nó còn kết hợp các nguồn lực mạng khác nhau thành một đơn vị tổng thể. Trước đây, các đơn vị có hoạt động liên quan đến thông tin của PLA được phân nhóm, cụ thể là trinh sát, tấn công, phòng thủ và chiến tranh tâm lý.
Việc hợp nhất các chức năng này vào SSF phản ánh quan điểm mới của PLA về không gian mạng và điện tử như một lĩnh vực chiến đấu mới chứ không chỉ là thực hiện chức năng hỗ trợ cho các hình thức chiến tranh khác.
Thứ nhất, các lĩnh vực tác chiến về tâm lý, điện tử, không gian mạng và động học có thể được kết hợp thành một loại chiến tranh thông tin duy nhất, do đó cần một lực lượng thống nhất có thể xử lý thông tin đa chiều, phức tạp.
Thứ hai, trong tác chiến, SSF giúp PLA chuyển từ thời bình sang thời chiến một cách thuận lợi hơn bằng việc kết hợp các chức năng tình báo và tấn công trong các đơn vị tác chiến điện tử, không gian mạng, không gian vũ trụ và đặt dưới sự chỉ huy thống nhất.
Theo đánh giá của PLA về các cải cách của SSF, kiến trúc hệ thống và đường nét của các lực lượng chiến đấu kiểu mới bắt đầu xuất hiện, nhưng nó cũng chỉ ở giai đoạn đầu, do đó trong ngắn hạn đến trung hạn khả năng của SSF có thể chưa phát huy tối đa hiệu quả.
Ưu tiên của các cơ quan tình báo Trung Quốc bao gồm duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trật tự an toàn xã hội, tình báo kinh tế và thương mại, tình báo khoa học và kỹ thuật, tình báo quân sự và các hoạt động bí mật (như tác động gây ảnh hưởng chính trị). Những nhiệm vụ tình báo này được thực hiện bởi một số cơ quan khác nhau (có cạnh tranh). Một số là các cơ quan an ninh và tình báo chuyên trách như MSS, MPS và SSF. Ngoài ra, một số cơ quan khác trong hệ thống chính trị Trung Quốc cũng kiêm nhiệm việc thu thập, phân tích thông tin tình báo như: Văn phòng Các vấn đề Đài Loan, Cục Mặt trận Thống nhất, Ủy ban Các vấn đề Không gian mạng Trung ương, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương.
Trước xu thế mở cửa Internet với thế giới, để bảo vệ chế độ chính trị, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống giám sát trong nước mạnh nhất thế giới. Khả năng tình báo trong nước không chỉ phụ thuộc vào số lượng lớn các cơ quan đã được mô tả ở trên mà còn phụ thuộc vào một mạng lưới phức tạp trong thực thi mệnh lệnh. Một trong những cơ quan quan trọng nhất là Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ - cơ quan thu thập thông tin tình báo về các thành viên lãnh đạo của đảng. Bên cạnh đó là mạng lưới các ủy ban của ĐCSTQ trải rộng khắp chính quyền các cấp, các doanh nghiệp lớn, bệnh viện, trường học.
Ngoài ra, Dự án Golden Shield, khởi động năm 2003, liên quan đến việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để thu thập, phân tích và truyền tải thông tin. Trung Quốc cũng thực hiện một loạt các sáng kiến khác để tăng cường khả năng giám sát, bao gồm Skynet (một mạng lưới camera giám sát với ít nhất 200 triệu camera trên cả nước) và Sharp Eyes (phần mở rộng của mạng Skynet tập trung vào các khu vực nông thôn). Trung Quốc cũng có một hệ thống toàn quốc tích hợp dữ liệu từ các nền tảng giám sát đường phố, các dịch vụ tư nhân và công cộng, cũng như hồ sơ số hóa mọi công dân, cho phép chính quyền theo dõi các cá nhân theo thời gian thực (Hệ thống chấm điểm công dân).
Trung Quốc cũng phát triển và sử dụng các hoạt động mạng ở nước ngoài. Những nỗ lực gián điệp mạng được thực hiện với số lượng lớn và mức độ tinh vi, phần lớn trong số đó do tình báo phương Tây và các công ty an ninh mạng phát hiện và quy kết.
ƯU THẾ VÀ SỰ PHỤ THUỘC VÀO KHÔNG GIAN MẠNG
Sự tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghiệp ICT toàn cầu bắt đầu từ năm 1984 và được đẩy mạnh sau khi đạt được thỏa thuận với Mỹ về kết nối Internet vào năm 1995. Năm 2000, Trung Quốc coi xã hội thông tin là yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh trong tương lai. Khi đó, khu vực tư nhân vẫn còn non trẻ cũng đóng một vai trò trong lĩnh vực kỹ thuật số, với sự thành lập của Alibaba vào năm 1999 và công ty máy tính Lenovo đã có được cú hích lớn vào năm 2005 khi mua lại một mảng kinh doanh lớn của IBM.
Sách trắng chính phủ năm 2020 nêu rõ rằng Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn phát triển nhanh của ngành công nghiệp ICT bản địa sang giai đoạn số hóa sâu rộng và tích hợp với nền kinh tế và xã hội. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nhấn mạnh vị trí hàng đầu thế giới của Trung Quốc về thương mại điện tử và ở một số lĩnh vực tài chính công nghệ, mô tả tốc độ số hóa của Trung Quốc là nhanh nhất thế giới. Quy mô nền kinh tế số Trung Quốc đạt 35,8 nghìn tỷ (Nhân dân tệ - NDT) vào năm 2019, chiếm 36,2% GDP - tỷ trọng cao hơn so với các nước như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi nhưng vẫn kém Mỹ (50%). Ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế ICT toàn cầu đã tăng lên đáng kể, bao gồm việc nước này phát triển các nền tảng trực tuyến. Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc cho biết, năm 2020 lĩnh vực nền tảng trực tuyến của Trung Quốc (do Alibaba và Tencent dẫn đầu) đã thay đổi từ “bắt chước và bắt kịp” thành “dẫn đầu đổi mới toàn cầu”. Trước khi Hoa Kỳ khởi động các chiến dịch chống lại Trung Quốc vào năm 2020, công ty TikTok của Trung Quốc đã tạo ra một sự bùng nổ trong mảng video ngắn toàn cầu.
Trở ngại lớn đối với ngành ICT Trung Quốc là việc nước này phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài về công nghệ lõi Internet, bất chấp chiến lược Made in China 2025. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đặt ra cụm từ “tám chiến binh bảo vệ” để chỉ các công ty Hoa Kỳ vẫn nằm trong cơ sở hạ tầng truyền thông của Trung Quốc: Apple, Cisco, Google, IBM, Intel, Microsoft, Oracle và Qualcomm. Vấn đề này được minh chứng khi Hoa Kỳ sử dụng sự thống trị của mình trong ngành công nghiệp vi mạch toàn cầu để làm suy yếu Huawei. Trước vấn đề bị phụ thuộc lâu dài vào các công ty công nghệ nước ngoài, chính phủ Trung Quốc đã mời một số hãng bao gồm Cisco, IBM, Intel và Microsoft tham gia nhóm tư vấn hàng đầu để xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến an ninh mạng - động thái này giúp Trung Quốc giám sát tốt hơn việc sử dụng công nghệ nước ngoài. Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng Trung Quốc vẫn chưa phát triển được hệ điều hành của riêng mình để thay thế hệ điều hành Microsoft hoặc Apple.
Một trong những công nghệ được ưu tiên trong chiến lược sản xuất tại Trung Quốc 2025 là trí tuệ nhân tạo. Năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã ban hành chiến lược phát triển công nghệ này nhằm mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới vào năm 2030. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) nhấn mạnh việc đầu tư đổi mới phát triển trong nước và đưa trí tuệ nhân tạo vào danh sách các công nghệ “chiến lược, hướng tới tương lai” cùng với truyền thông lượng tử, mạch tích hợp và công nghệ sinh học. Các công ty Trung Quốc dẫn đầu trong một số khía cạnh của trí tuệ nhân tạo, nhất là liên quan đến khả năng nhận diện khuôn mặt, nhưng các lĩnh vực khác lại tụt hậu so với Microsoft và Google.
Đối với điện toán lượng tử, năm 2017, Trung Quốc đã thành công trong chế tạo 10 qubit siêu dẫn, phá vỡ kỷ lục trước đó của Google là 9 qubit, nhưng Google đã tuyên bố một cỗ máy 54 qubit (vào năm 2019) và IBM đã phát triển một hệ thống tương tự. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể là nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển liên quan đến truyền thông lượng tử, nước này tuyên bố đã lắp đặt cáp thông tin liên lạc lượng tử dài nhất thế giới (2.000 km) giữa Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng như kết nối qua vệ tinh với khoảng cách nhỏ hơn. Năm 2021, Trung Quốc đã công bố rằng mạng liên lạc lượng tử dài 4.600 km đã sẵn sàng sử dụng sau hai năm thử nghiệm.
Không gian vũ trụ là lĩnh vực mà Trung Quốc đạt được thành tự lớn. Tổng số vệ tinh của Trung Quốc là 410, có thể thực hiện năng lực tình báo, giám sát và trinh sát (ISR); trong đó gồm 132 vệ tinh quân sự, nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ. Một báo cáo vào năm 2019 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, các vệ tinh ISR của Trung Quốc có khả năng cung cấp hình ảnh ra-đa khẩu độ cộng hưởng và điện quang (SAR) cũng như dữ liệu tình báo tín hiệu và điện tử. Chúng bao gồm các vệ tinh lưỡng dụng (đội vệ tinh Dao Cảm và loạt vệ tinh Hải Dương), cung cấp khả năng nhận dạng và theo dõi toàn cầu cho các tàu quân sự và dân sự.
Trung Quốc đã phát triển khả năng định vị vệ tinh thông qua hệ thống Bắc Đẩu, cạnh tranh với GPS của Mỹ. Hệ thống Bắc Đẩu đã phủ toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2012 và đạt mức phủ sóng toàn cầu vào giữa năm 2020. Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng khi Trung Quốc theo chân Hoa Kỳ phụ thuộc vào các khả năng trên không gian vũ trụ và không gian mạng thì chắc chắn sẽ có những lỗ hổng tương tự nếu có xung đột.
Tóm lại, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển nền tảng công nghiệp số bản địa, nhưng Mỹ vẫn thống trị về nguồn cung vi mạch toàn cầu; do đó Trung Quốc sẽ vẫn dựa vào Mỹ về công nghệ lõi Internet trong tương lai gần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lược dịch phần “Trung Quốc” trong Báo cáo “Đánh giá năng lực mạng và sức mạnh quốc gia” của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), https://www.iiss.org/blogs/research-paper/2021/06/cyber-capabilities-national-power. |
Nguyễn Văn Liệu (Bộ Công an)
10:00 | 14/03/2023
09:00 | 09/06/2022
14:00 | 20/03/2023
14:00 | 05/05/2022
10:00 | 21/10/2022
10:00 | 19/04/2022
10:00 | 04/10/2024
Thông qua diễn tập thực chiến vừa tổ chức, các cơ quan, đơn vị trong Ban Cơ yếu Chính phủ đã có cơ hội nhìn nhận, đánh giá năng lực ứng phó của đơn vị mình trước những mối nguy hại, cuộc tấn công trên không gian mạng.
16:00 | 19/09/2024
Thông qua ban hành Luật An ninh mạng, Quy định về bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và các tiêu chuẩn an ninh chuỗi cung ứng liên quan đã giúp an ninh chuỗi cung ứng công nghệ thông tin Trung Quốc ngày càng được tăng cường.
13:00 | 13/09/2024
Theo tờ Financial Times đưa tin, Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến sẽ ký công ước quốc tế đầu tiên về việc sử dụng AI có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
16:00 | 24/07/2024
Ngày 19/7, Tòa án quận Taganskiy ở thủ đô Moscow của Nga đã tuyên bố phạt hành chính tập đoàn Google của Mỹ với mức phạt 4 triệu Ruble (tương đương khoảng hơn 45.000 USD) do từ chối gỡ thông tin sai lệch.