Theo kế hoạch, thời gian tới, song song với việc triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử đến năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ sẽ tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết 17 của Chính phủ. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng sẽ đánh giá tổng thể việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 17 của Chính phủ, định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết này, bao gồm những tồn tại, khó khăn vướng mắc để đề xuất phương án tháo gỡ, giải quyết.
Tại kế hoạch, Bộ TT&TT đã nhấn mạnh mục tiêu và các chỉ tiêu chính trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đến hết năm 2020 đã được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 17, cụ thể: Đưa thông tin và dịch vụ của Chính phủ tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; Hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; Phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; Bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp quốc đến năm 2025.
Bộ TT&TT đã đề ra 22 chỉ tiêu chính cần thực hiện đến hết năm 2020, trong đó có một số chỉ tiêu mang tính chất định lượng như: ít nhất 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử phải được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng Bộ, ngành, địa phương phải đạt 20% trở lên; Tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp Tỉnh; 50% Cổng Dịch vụ công cấp Bộ, cấp Tỉnh cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 100% các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các Bộ, ngành, địa phương được kết nối, liên thông qua trục văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử.…
Đáng chú ý, trong Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử đến hết năm 2020 của Bộ TT&TT, Bộ cũng đã giao cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và đặt rõ thời gian cần hoàn thành những nội dung công việc của từng nhiệm vụ như:
Về nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, cụ thể là việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quy chế phối hợp trong hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng phù hợp với tình hình thực tiễn, Cục An toàn thông tin được giao chủ trì sẽ cùng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ban Cơ yếu Chính phủ. Thời hạn đến tháng 12/2019 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy chế mới sửa đổi.
Ban Cơ yếu Chính phủ được giao chủ trì xây dựng Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân. Cụ thể, hết Quý II/2020, Ban Cơ yếu Chính phủ phải triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số, xác thực điện tử cho các hệ thống thông tin và các thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước. Hết quý IV/2020, Ban Cơ yếu Chính phủ cần tập trung phát triển, mở rộng hạ tầng kỹ thuật chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ đáp ứng yêu cầu cung cấp, quản lý và sử dụng chữ ký số phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong kế hoạch theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng được giao chủ trì nhiệm vụ xây dựng Đề án triển khai các hệ thống bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước dùng mật mã đáp ứng yêu cầu triển khai Chính phủ điện tử, thời gian hoàn thành trong quý IV/2019.
Trong kế hoạch này, Bộ TT&TT cũng xác định rõ những giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, như xác định Tỉnh điểm, Bộ điểm để tổ chức triển khai điểm về Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Trên cơ sở đó nhân rộng mô hình thành công cho các Bộ, địa phương trên toàn quốc.
Bích Thủy
11:00 | 05/09/2019
08:00 | 19/11/2019
08:49 | 09/11/2015
07:00 | 17/10/2024
Dự án Luật Dữ liệu là một trong những dự án luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng, có vai trò quan trọng trong công tác chuyển đổi số quốc gia.
16:00 | 19/09/2024
Thông qua ban hành Luật An ninh mạng, Quy định về bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và các tiêu chuẩn an ninh chuỗi cung ứng liên quan đã giúp an ninh chuỗi cung ứng công nghệ thông tin Trung Quốc ngày càng được tăng cường.
16:00 | 04/08/2024
Với quyết tâm cao trong công cuộc chuyển đổi số nhằm bắt kịp, không bỏ lỡ “chuyến tàu 4.0”, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số cùng với chương trình đột phá trong cải cách hành chính. Việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin sẽ là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đặt ra cho đội ngũ cán bộ tham mưu của tỉnh, đặc biệt là lực lượng cơ yếu và đội ngũ cán bộ làm công tác cơ yếu, vừa phải đổi mới, năng động, sáng tạo vừa phải tích cực tham mưu cho cấp ủy, cơ quan các giải pháp bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu, phục vụ đắc lực cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
16:00 | 04/08/2024
Lường trước được các vấn đề phát sinh liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các luật, đạo luật, nghị quyết nhằm quản lý lĩnh vực và sử dụng AI một cách an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.