Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cụ thể tại dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 7 Chương, 54 Điều, có một số điểm mới so với luật hiện hành. Việc sửa đổi luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Cụ thể là việc hạn chế một số lĩnh vực áp dụng giao dịch điện tử trong luật có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong những lĩnh vực này.
Ngoài ra, việc sửa đổi luật sẽ khắc phục tình trạng thiếu các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan Nhà nước, thiếu quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan Nhà nước.
Mặt khác, việc sửa luật nhằm tạo sự đồng bộ với các luật ban hành sau về an toàn, an ninh mạng; tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử, Luật quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thực hiện quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.
Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định nội dung, điều kiện, phương thức của giao dịch.
Để thống nhất với phạm vi điều chỉnh, các quy định về công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự, lưu trữ điện tử tại các điều 9, 13 và 19 của Luật chỉ dẫn chiếu mà không quy định cụ thể để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nội dung này như dự thảo Luật và không bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan đến công chứng, chứng thực tại Điều 53.
Về chữ ký điện tử, có ý kiến đề nghị bổ sung các loại hình chữ ký điện tử khác ngoài chữ ký số đáp ứng đủ các điều kiện để bảo đảm chữ ký an toàn, giá trị pháp lý.
Với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo khoản 11 Điều 3 của Luật, chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký, xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông tin trong thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu thì lúc đó mới được coi là chữ ký điện tử.
Hiện nay, các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS)… không phải là chữ ký điện tử. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn triển khai nghiệp vụ trong ngành ngân hàng, hải quan... và nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, khoản 4 Điều 22 của Luật đã quy định việc sử dụng các hình thức xác nhận này được thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.
Về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại để phù hợp thực tiễn ngành ngân hàng, hải quan, tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, Điều 15 đã được chỉnh lý nội dung yêu cầu chuyển đổi cần đáp ứng và giao Chính phủ quy định chi tiết, thể hiện như trong Luật, phù hợp với thực tiễn ngành ngân hàng, hải quan.
Từ Điều 43 đến Điều 47 của Luật quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định các Bộ, ngành sẽ công bố dữ liệu mở của ngành, lĩnh vực của mình. Để đảm bảo tính linh hoạt, Luật giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết, phân loại rõ dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước.
Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, Luật quy định chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm giám sát hệ thống của mình; cơ quan Nhà nước quản lý công tác báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử bằng phương tiện điện tử. Ngoài ra, Luật còn chỉnh lý quy định về trách nhiệm có liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
8 hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử 1. Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. 3. Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu. 4. Xóa, hủy, giả mạo, sao chép, làm sai lệch, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu. 5. Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật. 6. Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử. 7. Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử. 8. Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật. |
Gia Minh
(tổng hợp)
16:00 | 26/04/2023
09:00 | 26/03/2024
11:00 | 13/09/2021
10:00 | 19/07/2023
15:00 | 02/03/2023
11:00 | 01/12/2023
15:00 | 06/12/2024
Sáng 6/12, Ủy ban nhân dân Thành phố (UBND TP) Hà Nội tổ chức lễ khai trương hạ tầng Trung tâm Dữ liệu chính thành phố tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội được thiết kế, xây dựng trên công nghệ điện toán đám mây riêng hiện đại, đồng bộ, bảo mật đa lớp, mang lại hiệu suất, sự an toàn và tính linh hoạt cao hơn cho người dùng.
14:00 | 29/11/2024
Sáng ngày 29/11/2024, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc (theo hình thức trực tiếp và trực tuyến) với nội dung trọng tâm tuyên truyền và phổ biến Nghị định số 68/2024/NĐ-CP ban hành ngày 25/6/2024 của Chính phủ. Thiếu tướng Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đã tới tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
15:00 | 12/11/2024
TP. HCM ghi nhận số lượng hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến tăng vọt hơn 33% sau khi chính sách miễn phí được áp dụng rộng rãi trên địa bàn.
08:00 | 17/06/2024
Trong thời đại số hiện nay, khi mà cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới ngày càng phụ thuộc vào Internet, khối lượng thông tin cá nhân mà mỗi người lưu trữ trên không gian mạng cũng ngày một lớn thì việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trở thành yêu cầu tất yếu của nền kinh tế số toàn cầu.
Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ đều là những khu vực, cường quốc mạng, nhưng tiến trình khẳng định vị thế của hai bên có nhiều điểm khác biệt. EU có truyền thống lâu đời trong việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, có thế mạnh về các phát minh an ninh mạng cũng như đề cao các chuẩn mực đa phương trong không gian mạng. Còn quan điểm của Ấn Độ về an ninh mạng liên tục chịu sự chi phối bởi các mối đe dọa mạng nổi lên từ Trung Quốc và Pakistan bên cạnh sự tác động từ ngành công nghệ thông tin trong nước - lĩnh vực đang tìm cách mở rộng thị trường ra bên ngoài phạm vi quốc gia. Bài viết sẽ phân tích sự phát triển của quan hệ an ninh mạng EU-Ấn Độ trong bối cảnh hệ sinh thái chính sách khác nhau giữa hai đối tác; những lĩnh vực hứa hẹn để mở rộng hợp tác song phương, giải quyết vấn đề tội phạm mạng, mở rộng nỗ lực làm sạch không gian mạng nhằm củng cố khả năng phục hồi không gian mạng của cả hai đối tác.
16:00 | 03/01/2025
Thực hiện quy định của pháp luật về chữ ký số chuyên dùng công vụ và nhiệm vụ được giao, thời gian qua Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin/Ban Cơ yếu Chính phủ đã nỗ lực, tập trung triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị tham gia hoạt động công vụ. Việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức và là công cụ không thể thiếu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp.
14:00 | 10/01/2025