Ngày 19/06/2015, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 và thay thế Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10.
Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Luật Tổ chức Chính phủ 2015 có 7 chương với 50 Điều, cụ thể hóa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực quản lý của Chính phủ và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Luật đã quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia.
Nội dung Luật cũng dành một chương (Chương II) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh các điều quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về quốc phòng; quản lý về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội... Điều 19 của Luật quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về lĩnh vực Cơ yếu. Đây là lần đầu tiên trong Luật Tổ chức Chính phủ có một điều riêng quy định về lĩnh vực Cơ yếu.
Nội dung quản lý về Cơ yếu được quy định thành 4 khoản như sau:
Một là, thống nhất quản lý nhà nước về Cơ yếu. Nội dung này phù hợp với quy định tại Điều 6 của Luật Cơ yếu: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Cơ yếu”; “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về Cơ yếu, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Cơ yếu Chính phủ”; “Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về Cơ yếu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về Cơ yếu”.
Hai là, thực hiện chính sách, pháp luật nhằm xây dựng lực lượng Cơ yếu chính quy, hiện đại, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước. Nội dung này phù hợp với chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển lực lượng Cơ yếu được quy định tại Điều 4 của Luật Cơ yếu; vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cơ yếu được quy định tại Điều 20, Luật Cơ yếu: “Lực lượng Cơ yếu là một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước, có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác Cơ yếu; góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống...”.
Ba là, xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã. Đây là những nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Cơ yếu Việt Nam trong việc bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về mật mã dân sự phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bốn là, thực hiện chính sách ưu đãi, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần đối với người làm công tác Cơ yếu. Nội dung này phù hợp với Luật Cơ yếu và Nghị định số 32/2013/NĐ-CP ngày 16/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác Cơ yếu. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với người làm công tác Cơ yếu.
Nội dung quản lý về Cơ yếu được quy định thành một điều riêng trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã khẳng định vị trí, vai trò và tính chất quan trọng của công tác Cơ yếu trong giai đoạn hiện nay. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định rõ nội dung thống nhất quản lý về mật mã (bao gồm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và mật mã dân sự) thuộc lĩnh vực Cơ yếu. Đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, là căn cứ quan trọng về mặt pháp lý để xây dựng nội dung quản lý nhà nước về mật mã dân sự trong Dự thảo Luật An toàn thông tin.